Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022
Với chủ đề: “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”, sáng 12/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trực tuyến toàn quốc Chương trình gặp gỡ đối thoại giữa công nhân với Thủ tướng Chính phủ năm 2022.
|
Dự Chương trình tại đầu cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 4.500 công nhân lao động trong cả nước (tham dự trực tiếp và trực tuyến).
Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và đại diện công nhân lao động các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022 nhằm "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" theo tinh thần của Thông báo số 77-TB/TW ngày 24/02/2012 của Ban Bí thư kết luận về tổ chức Tháng Công nhân.
Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua tổng hợp có gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu xung quanh 10 nhóm vấn đề lớn: Tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động; quan tâm công tác đào đào tạo nghề, các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có chính sách hỗ trợ giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt cho con công nhân các trường học công trên địa bàn không có hộ khẩu thường trú…
Bên cạnh những kiến nghị, đề xuất, nhiều công nhân lao động bày tỏ sự tri ân đối với Đảng, Nhà nước, cá nhân Thủ tướng Chính phủ, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch và những chăm lo kịp thời đối với người lao động trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời bày tỏ niềm tin tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Công đoàn; thể hiện mong muốn, khát vọng cống hiến, xây dựng, phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.
Tại Chương trình, đại diện công nhân lao động tiếp tục đặt câu hỏi, kiến nghị, đề xuất cụ thể với Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề… Những kiến nghị, đề xuất của người lao động được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành trả lời, giải quyết ngay tại buổi đối thoại, đáp ứng nguyện vọng và kỳ vọng của công nhân lao động cả nước.
Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc tổ chức Chương trình và các ý kiến của công nhân phát biểu đúng, trúng các vấn đề cần giải quyết. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ khó khăn với công nhân trong dịch Covid-19, đồng thời hoan nghênh sự cố gắng của công nhân vượt qua khó khăn, tích cực lao động sản xuất. Đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, lắng nghe, đồng hành chia sẻ khó khăn với công nhân; tích cực chỉ đạo các ngành chức năng chăm lo, triển khai hỗ trợ kịp thời các chế độ và tháo gỡ khó khăn cho công nhân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành nêu cao trách nhiệm tập trung rà soát thể chế, cơ chế chính sách, bổ sung sửa đổi hoàn thiện để đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của công nhân và tìm giải pháp tốt nhất để công nhân, nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan trong hệ thống chính trị cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công nhân và phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết cho công nhân.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn đội ngũ công nhân tiếp tục phát huy vai trò, tích cực lao động sản xuất, cùng cả nước vượt qua thách thức khó khăn cuả đại dịch Covid-19, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ tặng 25 suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại đầu cầu tỉnh Bắc Giang. Dịp này, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettell tặng 2,5 tỷ đồng hỗ trợ học bổng cho con em công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do Covid-19 thông qua Quỹ tấm lòng vàng lao động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đã nhấn nút ra mắt chương trình giải trí truyền hình “Giờ thứ 9+” dành cho công nhân lao động Việt Nam phát sóng vào 15h Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Phúc Nguyên