Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ
Chiều 12/7, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về Chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số dự và chỉ đạo Hội nghị.
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh (BCĐ tỉnh) và thành viên BCĐ tỉnh, thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh và thành viên Tổ giúp việc BCĐ tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Đề án 06 do Bộ Công an quản lý đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương trong cả nước để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đồng thời, tiếp nhận trên 1,014 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân; trong đó, gần 605 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và gần 409 triệu yêu cầu có thông tin sai lệch. Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế việc di chuyển, thời gian chờ đợi, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cả nước đã có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 55 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu đạt 100% (gồm 7 bộ, ngành và 48 địa phương), các đơn vị còn lại đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu về bảo đảm đủ số liệu của giai đoạn 1. Theo đó, tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là trên 2,087 triệu hồ sơ; trong đó, các bộ, ngành trên 132.626 hồ sơ, đạt 50,25% và các địa phương trên 1,974 triệu hồ sơ, đạt 96,28%.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị so với thời gian các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào 4 ưu tiên về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ hành chính công trực tuyến, phát triển cơ sở hạ tầng chuyển đổi số và an ninh mạng.
Ngoài ra, tập trung ưu tiên về thể chế và nguồn lực, hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số. Muốn vậy, phải huy động nguồn lực của toàn dân, phải có tính liên kết cao giữa các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của người đứng đầu để tăng trách nhiệm.
Đặc biệt, thực hiện Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùug tích cực tham gia. Đồng thời, tập trung quy hoạch chi tiết về chuyển đổi số từ nay đến năm 2030 nhằm quản lý dân cư thống nhất trong cả nước được tốt hơn. Tập trung rà soát thủ tục hành chính để thuận lợi cho người dân, đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư gắn với dữ liệu quốc gia và dữ liệu các ngành liên quan đến đời sống của người dân và doanh nghiệp, qua đó thực hiện hội nhập quốc tế được hiệu quả hơn…
Trần Văn Phúc