Quốc hội thảo luận các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Ngày 12/02, sau khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã tiến hành hơn 1 buổi làm việc ở Hội trường để nghe 12 báo cáo, tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi);…
|
Quốc hội đã tiến hành gần 1 buổi làm việc để thảo luận ở Tổ về các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Các ĐBQH tỉnh cùng 19 ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên và thành phố Cần Thơ tham gia thảo luận tại Tổ 8.
Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Các ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã cùng 3 ĐBQH của các Đoàn ĐBQH khác phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
|
Phát biểu tham gia ý kiến Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật và tham gia 2 ý kiến đối với nội dung dự thảo luật như sau: Thứ nhất, về trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội được quy định tại Điều 40 Dự thảo luật hiện nay là "Cơ quan trình trình bày tờ trình; cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra; Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, dự án có thể được thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội...”.
Về quy định tại điều luật này, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiêm cứu, bổ sung quy định về công tác thẩm tra đối với trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan trình dự án luật, nghị quyết ra Quốc hội; cần phải làm rõ, trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan trình dự án luật, nghị quyết ra Quốc hội thì có thực hiện công tác thẩm tra hay không? Nếu thực hiện công tác thẩm tra và báo kết quả thẩm tra như quy định ở trên thì cơ quan, tổ chức nào thẩm tra nội dung dự án luật, nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội?.
Thứ hai, về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, dự kiến quy định tại Điều 67 Dự thảo luật. Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất chủ trương báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng theo phân cấp quản lý đối với các vấn đề lớn của hồ sơ chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng thành các quy định pháp luật cụ thể để tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả; tuy nhiên, theo đại biểu Thanh vấn đề này cần được xem xét quy định ở một văn bản khác phù hợp hơn của cơ quan có thẩm quyền, không nên quy định cụ thể tại luật này như nội dung dự kiến quy định tại Điều 67 Dự thảo luật.
|
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đối với Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) về sự cần thiết ban hành luật; việc bổ sung Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng; cần quy định thêm đối tượng “cá nhân” được tham vấn chính sách; trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật của Quốc hội.
Hồ Nam