Những cảm xúc trào dâng khi nghe kể về Bác
Những mẩu chuyện rất đời thường mà sau 45 năm kể từ ngày Bác đi xa nay mới kể đã dâng trào biết bao tình cảm trân trọng, thân thương của mỗi cán bộ đảng viên và thế hệ trẻ... dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc
|
“Trong thời gian qua, dù bản thân tôi đã được học tập, đọc nhiều mẩu chuyện, tư liệu về tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ; nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe những mẩu chuyện rất đời thường mà sau 45 năm kể từ ngày Bác đi xa nay mới được kể. Những câu chuyện thật giản dị, gần gũi mà cao quí đã khiến thế hệ trẻ chúng tôi hiểu và yêu Bác nhiều hơn, nguyện học tập và làm theo lời Bác sâu sắc hơn” – Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Đăk Hà – Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Câu chuyện về Bác khiến cho Dũng cũng như bao người nghe xong xúc động đến nghẹn lòng đó là câu chuyện có thật về một “Nghị quyết biểu quyết để Bác Hồ lấy vợ” diễn ra bên lề Hội nghị Điện Biên Phủ. Việc làm xuất phát từ nguyện vọng, tình cảm của cán bộ và nhân dân với mong muốn Bác có gia đình riêng. Sau khi nghe xong điều này, Bác đã trao đổi rất tình cảm và đầy hóm hỉnh: “Bác cảm ơn các chú đã thương Bác nhưng Bác phải nói ngay là Nghị quyết của các chú đã bị phá sản ngay lập tức. Các chú chủ quan lắm. Vì trong hội trường này chỉ có Bác và các chú thôi thì Bác lấy ai bây giờ”. Xúc động nữa, nhiều lần Hội Phụ nữ cũng đã tổ chức các cuộc họp để tìm vợ cho Bác. Nhưng không biết tiêu chuẩn về người phụ nữ của Bác như thế nên một lần nọ, một cán bộ hội phụ nữ được cử đến để thăm dò Bác bằng một câu hỏi tế nhị: “Giả sử Bác có người yêu thì người yêu Bác tiêu chuẩn như thế nào”. Bác cười và trả lời: “Đã lấy vợ thì phải chọn cho Bác một người thật đẹp, phải đẹp như tiên, hơn tiên thì càng tốt” – một tiêu chuẩn không thể có trong thực tế. Câu trả lời của Bác muốn nhắn nhủ: Mọi người đừng lo cho Bác, Bác không thể hưởng hạnh phúc riêng trong khi miền Nam còn chưa giải phóng, đất nước chưa thống nhất…
Hơn 3 giờ đồng hồ ngồi chăm chú lắng nghe nghe Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo giới thiệu nội dung về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những mẩu chuyện kể đời thường của Bác, em Hồ Thị Thúy Hạnh – học sinh lớp 12A6 – Trường THPT Kon Tum rưng rưng xúc động: Cảm động nhất là câu chuyện chị gái Bác Hồ - bà Nguyễn Thị Thanh cũng vì lo cho chuyện tình cảm riêng tư của người em trai mình mà lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội thăm em, đó là thời điểm Bác đã là Chủ tịch nước. Gặp chị, được chị hỏi về chuyện riêng, Bác trả lời thật xúc động “Em bận trăm công ngàn việc, còn thời gian đâu hả chị”. Và, dù không có thời gian lo hạnh phúc riêng và dù bận trăm công ngàn việc nhưng lúc nào trong Bác cũng đau đáu nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân da diết…
Anh Nguyễn Thanh Mân – Chánh Văn phòng UBND thành phố Kon Tum xúc động: Được nghe những câu chuyện đời thường và những câu chuyện hóa thân vào dân tộc của Bác (chuyện thật về ngày sinh của Bác không phải là ngày 19/5 mà Bác lấy Ngày thành lập Mặt trật Việt Minh làm ngày sinh của mình; chuyện từ chối không nhận một tấm huân chương nào vì Bác cho rằng “Bác mới đi đến nơi mà chưa về đến chốn” vì miền Nam khi ấy chưa được giải phóng, đất nước chưa thống nhất - PV) được kể sau 45 năm từ ngày Bác đi xa đã khiến mỗi người chúng ta càng hiểu và kính yêu Bác nhiều hơn. Qua những câu chuyện về Người, mỗi người chúng ta cũng nên soi rọi bản thân mình trên cương vị công tác được giao. Bản thân tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu không ngừng để thực hiện lời dạy của Bác, xứng đáng là người cán bộ, đảng viên thời đại mới”.
Anh Chu Văn Hiền – Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Hà chia sẻ cảm xúc: Là một cán bộ thuộc ngành Tuyên giáo, tôi càng thấy trọng trách to lớn của bản thân trong việc thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi, gương mẫu về đạo đức, lối sống để tham mưu cho Huyện ủy đưa nội dung bản Di chúc của Bác, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong của Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, góp phần đưa huyện Đăk Hà phát triển vững mạnh, toàn diện, đạt nông thôn mới vào năm 2020.
Với Bí thư Tỉnh đoàn Huỳnh Quốc Huy, giới thiệu nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua những tư liệu sau 45 năm kể từ ngày Bác đi xa giờ mới kể giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; từ đó, càng phấn đấu học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu sắc hơn. Thực hiện lời dạy của Bác, với thế hệ trẻ hôm nay, mỗi ĐVTN phấn đấu không ngừng trong lao động học tập và rèn luyện để xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Bác. Đối với cán bộ, ĐVTN thực hiện tốt chuẩn mực, tác phong của người cán bộ Đoàn (theo Chỉ thị 01 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn). Đối với thanh niên, cần xung kích đi đầu trong thực hiện 2 phong trào lớn của Đoàn là “xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Nghe kể về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, đọc Di chúc Bác để lại trong ta trào dâng những cảm xúc về Người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta sẽ xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” đúng như di nguyện của Người để lại.
Tú Quyên