Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3
Ngày 17/5, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015.
|
Dự hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Nguyễn Văn Bình-UVTW Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp.
Tỉnh Kon Tum dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Tuy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Hội nghị lần này nhằm mục đích huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững và giải quyết tốt an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng… vào địa bàn Tây Nguyên.
Theo định hướng của Bộ KH&ĐT, trong thời gian tới, thu hút đầu tư vào Tây Nguyên sẽ theo thế mạnh của từng vùng và thu hút nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, phát triển thủy điện, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển du lịch-thương mại… Đặc biệt phía cực bắc Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai chú trọng đến phát triển thủy điện; phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên; nâng cao năng suất và sản lượng cây công nghiệp; thúc đẩy giao lưu thương mại hành lang biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia…
Để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển Tây Nguyên, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới sẽ phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tạo cơ chế thông thoáng, có chính sách thu hút thỏa đáng các nguồn lực đầu tư vào Tây Nguyên. Các ngân hàng thương mại sẽ tập trung dành các nguồn vốn vay ưu đãi, giải ngân sớm cho các dự án đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, tạo đà cho Tây Nguyên phát triển và ngày càng hấp dẫn, trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.
Tại Hội nghị, đã có 13 dự án đầu tư vào Tây Nguyên được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng nguồn vốn 16.600 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 3 dự án gồm: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du dịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen, với tổng vốn đầu tư 5.100 tỷ đồng; Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, với tổng vốn 1.600 tỷ đồng; Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum Măng Đen của Công ty CP Tập đoàn VinGroup, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
|
Trong khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra chương trình an sinh xã hội “Khát vọng Đại ngàn” và theo thông tin ban đầu, trong chương trình này, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp đã đóng góp trên 150 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí thu được này, hoạt động an sinh xã hội sẽ tập trung vào giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, xóa nhà dột nát cho đồng bào nghèo, nhất là đồng bào DTTS trong khu vực Tây Nguyên.
LS