Hội nghị Thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức Hội nghị Thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có lãnh đạo Sở TT&TT và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại Hội nghị, Bộ TT&TT báo cáo kết quả khảo sát, giám sát, đo lường chất lượng cung cấp DVCTT ở 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Theo kết quả khảo sát, đến nay, tỷ lệ đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Văn bản số 1552/BTTTT-THH đối với các bộ, ngành, địa phương mới đạt 17/83 (20,48%), gồm 4 bộ, ngành và 13 địa phương. Trong đó, nhóm chức năng ký số của tổ chức, cá nhân; chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; các yêu cầu về an toàn, an ninh mạng đối với Hệ thống Cổng DVC các bộ, ngành, địa phương kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư … chưa được bổ sung và triển khai đầy đủ, đồng bộ.
Hội nghị cũng đã trao đổi về các hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và xác định phương hướng trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Trong năm 2023, Bộ TT&TT đưa ra 10 nhóm vấn đề, 20 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành Trung ương và địa phương; trong đó giao rõ nhiệm vụ, đầu mối chủ trì, chỉ tiêu thực hiện cũng như nguồn lực và thời hạn hoàn thành cụ thể. Đồng thời tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn và định hướng phát triển với mục tiêu trọng tâm là khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT &TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sau hơn 20 năm làm DVCTT, hiện nay trước bối cảnh mới, cần thay đổi căn bản về nhận thức và cách làm của các bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt trên 90%; hết năm 2023 đạt mục tiêu 50%. Chất lượng dịch vụ công hướng tới thời gian đáp ứng của hệ thống với người dùng là 0,25 giây. Khi có tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ công, các đơn vị, địa phương cần tự soi, tự sửa để qua đó chủ động khắc phục, nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những nỗ lực trên sẽ sớm kết thúc giai đoạn "Chính phủ điện tử" vào năm 2025 để chuyển sang "Chính phủ số", hướng tới một "Việt Nam số" trong tương lai...
Nguyễn Ban