Hào khí Điện Biên
Cách đây 61 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đức hy sinh cao cả của toàn dân tộc đoàn kết một lòng, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 61 năm trôi qua, hào khí Điện Biên Phủ vẫn vang vọng trong tâm thức bao thế hệ…
“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava của Pháp và Mỹ, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Địch đã cho tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn; trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương.
Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay; có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40 nghìn. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
|
Chiến dịch diễn ra trong 3 đợt: đợt 1 (từ 13 - 17/3/1954), đợt 2 (từ 30/3 - 30/4/1954), đợt 3 (từ 1 - 7/5/1954) và đến 4h30 ngày 7/5, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Đến 17h30 ngày 7/5, tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường và anh dũng trong điều kiện “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…”, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 sinh lực địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự, bắn rơi nhiều máy bay; xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của Quân đội Pháp.
Tự hào Chiến sĩ Điện Biên
61 năm đã trôi qua, nhưng niềm xúc động, lòng tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi in đậm trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, với những chiến sĩ Điện Biên, họ rất mực trân trọng những ngày được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với họ, nơi ấy đã trải qua những tháng ngày trai trẻ, được chiến đấu và góp phần làm nên chiến thắng.
Vậy nên, mỗi năm, cứ đến ngày 7/5 – ngày giải phóng Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa lại không khỏi bồi hồi, tự hào và xúc động. Tôi đã từng được may mắn tham dự buổi gặp mặt của Ban liên lạc truyền thống cựu chiến sĩ Điện Biên tỉnh Kon Tum (được thành lập năm 2005), khó mà tả hết cảm xúc của những chiến sĩ Điện Biên năm nào, những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười khi nhớ lại câu chuyện vui, những giọt nước mắt khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh…
Ông Đỗ Trọng Hoà (đường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum) Trưởng Ban liên lạc tâm sự: Không chỉ riêng tôi mà với mỗi thành viên Ban liên lạc tên gọi “Chiến sĩ Điện Biên” hết sức thiêng liêng. Không thiêng liêng sao được khi mà chúng tôi, người là bộ đội trực tiếp chiến đấu, người là dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong tham gia chiến dịch khi chỉ mới 16-20 tuổi. Với tôi, chỉ sau 1 năm học ở Trường thiếu sinh quân, mới 16 tuổi đã xin được cầm súng đánh giặc mà trận đánh đầu tiên lại là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày ấy, tôi là tiểu đội phó công binh thuộc Sư đoàn 316 cùng đồng đội đánh đồi Him Lam vào ngày 3/3/1954, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ 55 ngày đêm lịch sử. Tiếp tục đánh đồi A1, tôi cùng với 2 chiến sĩ mở cửa cho bộ binh tiến lên. Tôi đánh quả bộc phá thứ nhất là đường dẫn trực tiếp đến hầm chỉ huy đồi A1 và bị sức ép bất tỉnh. Tôi chỉ kịp nhìn thấy 2 đồng đội anh dũng hy sinh khi đánh quả bộc phá thứ hai, thứ ba mở tiếp các hàng rào còn lại…
Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi công việc nhưng điểm chung nhất ở họ là trong bất kỳ tình huống nào vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, không ngại khó khăn gian khổ. Trong các cuộc trò chuyện, họ luôn nhắc đến kỷ niệm những ngày tham gia chiến dịch mà quên đi những khó khăn thường nhật của mình. Như ông Phan Thanh Vỵ (TDP 2, phường Lê Lợi, TP Kon Tum) năm nay đã trên 80 tuổi, mỗi năm vài ba lần phải nhập viện vì tuổi cao sức yếu. Vậy nhưng, khi nhắc tới những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi A1… của "chảo lửa" Điện Biên một thời, ông Vỵ như hồi sinh trở lại, hừng hực khí thế ra trận của ngày mới mười chín, đôi mươi.
Ông Vỵ tự hào: Đầu năm 1954, Trung đoàn bộ binh 95 của ông được vinh dự chọn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với nhiệm vụ vây không cho địch ra ngoài cứ điểm Điện Biên Phủ và ép địch co cụm lại, ông cùng đồng đội trực tiếp đào giao thông hào để dân công tiếp tế thuốc men, thực phẩm cũng như đưa trận địa pháo vào chiến trường. Mặc dù không tận mắt chứng kiến hình ảnh cánh đồng Mường Thanh ngày 7/5 “trắng xoá cờ hàng”, song ông cùng đồng đội đã đón nhận tin vui lan nhanh này trong niềm vui sướng tột đỉnh, hạnh phúc nào hơn khi từ chiến thắng này kết thúc gần 1 thế kỷ nước ta bị thực dân Pháp đô hộ.
Vẫn tinh thần người lính Điện Biên, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, có người tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, có người trở về quê hương xây dựng gia đình, hăng say lao động, góp phần xây dựng quê hương. Công việc nào cũng vậy, địa vị nào cũng vậy, với họ, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn ngời sáng. Họ luôn gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực; họ luôn dặn dò con cháu phải biết trân trọng cuộc sống hôm nay vì phải đánh đổi bằng bao xương máu của thế hệ cha anh đi trước.
“Mỗi năm, cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm vô giá mà thế hệ ông cha để lại. Với khí phách Điện Biên Phủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng tôi – những chiến sĩ Điện Biên luôn tin tưởng chắc chắn rằng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ thành công” – ông Vỵ bộc bạch.
Nguyên Phúc