Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri các địa phương
Chuẩn bị nội dung phục vụ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, ngày 5/5, đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc với cử tri các xã Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal (huyện Sa Thầy); xã Hiếu (huyện Kon Plông) và xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy).
|
Tham dự các buổi tiếp xúc cử tri có đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tại các cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 20/5-25/6 tại Hà Nội. Kỳ họp sẽ thảo luận, xem xét và quyết định một số vấn đề về KTXH-ANQP năm 2014 và những tháng đầu năm 2015; xem xét và thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã thông báo với cử tri về các ý kiến trả lời của các bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh từ sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đến nay; đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cử tri xã Ia Tơi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét công nhận xã là xã biên giới để được thụ hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước; đề nghị tỉnh mở tuyến xe khách hoặc xe buýt theo lộ trình Kon Tum- Ia H’Drai đến các xã phía nam nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của CBCC và nhân dân; xem xét đầu tư điện lưới quốc gia tại các thôn; quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch, thủy lợi, khai hoang ruộng nước; đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng. Cử tri thôn 9 đề nghị sớm xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho bà con, xây dựng đường giao thông từ xã đến thôn, tăng mức phụ cấp cho cán bộ thôn...
Cử tri xã Ia Dom đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình nâng cấp Quốc lộ 14C (giai đoạn II) để phục vụ nhu cầu đi lại, trao đổi, mua bán hàng hóa cho nhân dân; đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương xem xét công nhận xã thuộc diện đặc biệt khó khăn để được hưởng ưu đãi các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác; xem xét đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung, kéo điện lưới quốc gia về các thôn; xây dựng trường mầm non xã và nhà ở công vụ cho giáo viên; xem xét không cho chủ trương chuyển đổi đất trồng cây cao su đối với một số doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ, hoặc thu hồi quỹ đất để bố trí đất ở, đất sản xuất và xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương...
Cử tri xã Ia Đal kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điện quốc gia về khu trung tâm hành chính xã, các điểm trường học, trạm xá, khu dân cư; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đề nghị Trung ương xem xét công nhận Ia Đal là xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn để được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; đề nghị tỉnh chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo để chia cho các hộ dân chưa có đất sản xuất; xây dựng chợ để bà con có nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa...
Phát biểu với cử tri các xã trên, đồng chí Y Mửi đề nghị lãnh đạo các xã chuẩn bị chu đáo và xây dựng cho thật kỹ các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp, trong đó chú trọng các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển KTXH-ANQP 5 năm 2015-2020; rà soát, quy hoạch lại khu dân cư, quỹ đất ở, đất sản xuất để giải quyết nhu cầu đất ở và đất sản xuất cho bà con; tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái, không được để dân phá rừng làm nương rẫy trái pháp luật; rà soát quỹ đất để khai hoang đất sản xuất lúa nước, xây dựng hệ thống thủy lợi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; chú trọng phát triển chăn nuôi đàn gia súc gia cầm; xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hộ làm ăn giỏi; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm săn bắn động vật rừng quý hiếm, khai thác lâm sản trái pháp luật; đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, điện thắp sáng cho bà con. Bên cạnh đó, chú trọng giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là phải đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới...
Tại xã Hiếu cử tri kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh và chính quyền địa phương việc giao rừng cho cộng đồng nhân dân thôn Vi Chring tham gia quản lý, bảo vệ 808ha theo dự án Jica, nhưng đến nay nhân dân chưa được hưởng lợi từ dự án này; xã còn 2 thôn, làng chưa có điện lưới quốc gia; việc phân bổ 23 chức danh cho xã vùng II chưa phù hợp với thực tiễn các xã miền núi, như thiếu chức danh cán bộ theo dõi lĩnh vực nông-lâm; đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho dân; cần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác rừng và buôn bán lâm sản trái pháp luật; quản lý chặt chẽ việc đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án thủy điện Đăk Re…
Tại xã Đăk Tờ Re, cử tri ý kiến với Đoàn ĐBQH tỉnh về cơ chế chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã chưa đồng đều; cầu treo dân sinh dọc sông Đăk Bla và Đăk Snghé có tải trọng thấp, dân vận chuyển hàng nông sản khó khăn; tăng cường các biện pháp để kiềm chế TNGT ở địa phương; việc thi công nâng cấp tuyến Quốc lộ 24 qua địa bàn xã có 71 hộ bị ảnh hưởng gián tiếp, nhưng chưa được kiểm đếm đền bù…
Đa số các ý kiến, kiến nghị của cử tri các xã thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, đã được lãnh đạo các huyện trả lời, giải trình ngay tại các buổi tiếp xúc.
Với những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và báo cáo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII tới đây để Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Đối với các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan sớm giải quyết.
Quang Định – Lê Sang