Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc tại huyện Đăk Hà
Sáng 17/4, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn làm việc tại huyện Đăk Hà.
Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực và các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Hà.
Nội dung làm việc của Đoàn là kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT - UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (NQLT số 403) về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
|
Kết quả, trong giai đoạn 2017 - 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Hà chủ trì tổ chức 16 cuộc giám sát chuyên đề với 16 nội dung tại 82 cơ quan, đơn vị. Các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã chủ trì tổ chức 30 cuộc giám sát chuyên đề với 30 nội dung tại 125 cơ quan, đơn vị. Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã gửi 65 kiến nghị đến UBND huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện xem xét, giải quyết. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp và các kiến nghị theo từng lĩnh vực, nội dung của Đoàn giám sát đã được các cơ quan, đơn vị được giám sát tiếp thu, giải trình và cơ bản khắc phục tồn tại.
Đối với công tác phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 10 hội nghị phản biện đối với các dự thảo chương trình, kế hoạch của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Đồng thời, tham gia phản biện bằng hình thức góp ý vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, các nội dung chính của công tác quy hoạch, giáo dục, y tế và các kế hoạch đảm bảo theo quy định.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia thảo luận, làm rõ một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện NQLT 403 như: Công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì giám sát chưa chặt chẽ; nội dung giám sát chưa trọng tâm; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các nội dung đã kiến nghị sau giám sát, phản biện; việc phát huy quyền của nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
|
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong thực hiện NQLT số 403 trên địa bàn huyện Đăk Hà. Qua đó, đề nghị trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về NQLT số 403 để thống nhất về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp, chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội bằng các phương pháp giám sát, phản biện phù hợp.
Đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đối với việc quy hoạch, bố trí cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm đối với công việc và các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Trọng Nghĩa