Tràn lan vi phạm về nhãn hàng hoá
Nhãn hàng hoá là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm mình cần. Đó là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Ghi nhãn hàng hóa là quy định bắt buộc trong kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề vi phạm về nhãn hàng hoá lại đang diễn ra khá phổ biến...
Chúng tôi dạo một vòng quanh chợ Trung tâm thương mại (thành phố Kon Tum). Tại đây, các gian hàng mỹ phẩm bày bán rất nhiều sản phẩm được người bán giới thiệu là hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc… nhưng không hề được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Vì thế, người tiêu dùng rất khó xác định đó có phải là hàng chính hãng hay không, thành phần, công dụng như thế nào...
Không chỉ có mỹ phẩm, các loại bánh mứt không có nhãn mác, thông tin sản phẩm cũng được bày bán một cách tràn lan. Theo lý giải của một số chủ hàng, do họ thường nhập các thùng hàng với số lượng lớn về rồi mới chiết ra bán lẻ nên không để ý hoặc quên dán nhãn… Thực tế, các mặt hàng đó có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng như thế nào thì “chỉ có người bán mới biết”.
|
Không chỉ có các cơ sở bán lẻ, các sạp hàng tại chợ mới có hiện tượng vi phạm quy định về nhãn hàng hoá; thời gian vừa qua, khi lực lượng chức năng tiến hành công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã phát hiện không ít cơ sở bán hàng lớn vi phạm quy định này.
Chẳng hạn, vừa qua, hệ thống sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai và trẻ em toàn quốc Con Cưng đã bị người tiêu dùng khiếu nại có hiện tượng làm lại nhãn mác sản phẩm. Khi lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra đã phát hiện những dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn mác.
Ngay tại tỉnh ta, trong tháng 5/2018, lực lượng quản lý thị trường cũng đã kiểm tra 2 cửa hàng Con Cưng tại thành phố Kon Tum và phát hiện, xử lý vi phạm về nhãn hàng hoá.
Đáng chú ý hơn, tình trạng một số nhà sản xuất cố tình đặt nhãn hàng hoá có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng - đây là kiểu “đánh lận con đen” trong kinh doanh và vẫn diễn ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như bột giặt OMON có tên gần giống với tên bột giặt OMO, nước uống đóng chai Aquafinal gần giống tên nước uống đóng chai Aquafina, nước khoáng Lavillle gần giống với sản phẩm La Vie...
Điều đáng lo ngại hơn là nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình trạng này để trà trộn tung ra thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu...
Không dừng lại ở đó, hiện nay có tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập các mặt hàng Trung Quốc kém chất lượng rồi gỡ bỏ nhãn mác, bao bì sản phẩm, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác của các nhà máy trong nước. Đây không chỉ là hành vi đánh lừa người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng tới các nhà sản xuất chân chính trong nước...
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, lỗi phổ biến trong kinh doanh hàng hóa thường gặp là hàng hóa không có nhãn mác, nhãn ghi không đủ hoặc ghi không đúng nội dung bắt buộc, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, ghi không đúng với thực tế của hàng hóa...
Hằng năm, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, do số lượng các cơ sở kinh doanh rất lớn, trong khi đó lực lượng kiểm tra “mỏng” nên không thể quản lý hết hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Trước tình trạng vi phạm về nhãn hàng hoá còn tràn lan, để hạn chế việc mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần tạo cho mình thói quen xem kỹ nhãn mác, bao bì sản phẩm trước khi quyết định chọn mua. Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát thị trường, xử nghiêm các vi phạm để đảm bảo tính răn đe.
Bài, ảnh: Thiên Hương