Tràn lan dịch vụ đổi tiền mới
Gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu đổi tiền mệnh giá thấp và tiền mới tăng cao. Kéo theo đó, trên mạng xã hội tràn lan dịch vụ đổi tiền mới, dù hoạt động này trái với quy định của pháp luật.
Năm nào cũng vậy, đến dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới để lì xì, mừng tuổi của người dân lại tăng. Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết, các ngân hàng dè dặt cung ứng tiền mới dịp Tết. Trong khi đó, thời gian trở lại đây, trên mạng xã hội, nhiều cá nhân vẫn thản nhiên rao đổi tiền mới với đủ mệnh giá.
Từ nhiều ngày nay, ngày nào nickname H.S cũng đăng lên mạng xã hội (facebook, zalo) hình ảnh những cọc tiền mới với đủ mệnh giá để rao, tìm kiếm người đổi. Theo dõi trang facebook của H.S, tôi nhận thấy đổi đủ các loại tiền từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng cho đến 200.000 đồng. Hỏi về mức phí, chị cho biết, chị lấy phí 3-10% (tùy loại tiền). Theo đó, với tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, mức phí cao hơn so với các mệnh tiền khác, khi khách đổi nhiều sẽ giảm mức phí.
|
Liên hệ với H.S thì được biết, đây là năm thứ 3 chị triển khai dịch vụ này. Thông thường, một mùa Tết, cũng đổi được từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng. Khi được hỏi về nguồn tiền mới, chị cười, không tiết lộ vì là “bí mật kinh doanh”.
Ngoài việc đổi tiền Việt Nam với đầy đủ các mệnh giá, một anh có nickname T.H ở thành phố Kon Tum cũng rao đổi tiền 2USD. Theo giá anh rao trên facebook, 2 USD sẽ được đổi sang tiền Việt với mức giá 56.000 đồng/tờ. Còn với tiền Việt Nam, anh cũng rao đổi với mức phí từ 3-10% (tùy loại). Qua theo dõi facebook, nhận thấy, sau các bài đăng của anh, rất nhiều người vào bình luận muốn đổi tiền.
Tuy không thịnh hành như việc đổi tiền mới, nhưng dịch vụ đổi tiền với seri đẹp, tiền 2 USD cổ cũng được một số người rao bán. Khi được hỏi về các quy định của việc đổi tiền, các cá nhân rao đổi tiền đều chia sẻ rằng: không biết, hoặc biết nhưng thấy nhiều người vẫn làm dịch vụ, đổi tràn lan mà không bị xử phạt nên họ cũng làm theo.
Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20- 40 triệu đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ vi phạm pháp luật, việc đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng xã hội có thu phí cũng mang đến nhiều rủi ro cho người dùng. Các hoạt động giao dịch thường được thực hiện qua mạng, người muốn đổi tiền thường phải chuyển tiền trước để đặt cọc rồi mới được nhận tiền sau. Do đó, có trường hợp bị quỵt tiền hoặc nhận tiền không đủ như hứa hẹn ban đầu. Đặc biệt, việc rủi ro khi nhận phải tiền giả trên mạng xã hội cũng không tránh khỏi.
Với những rủi ro tiềm ẩn, để cẩn trọng, tránh bị thiệt hại cũng như để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người dân khi có nhu cầu nên đến các ngân hàng để thực hiện các giao dịch, chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.
Bình An