Tăng cường tuyên truyền không tàng trữ, không sử dụng pháo nổ
Thực hiện Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, các cấp và các ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, phát hiện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về tàng trữ, buôn bán và đốt các loại pháo nổ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, hiện nay, các cấp, các ngành đã và đang triển khai tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh – sinh viên và các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND tỉnh; trong đó có chỉ đạo nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, buôn lậu trái phép và sử dụng các loại pháo nổ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ở các địa phương nếu có các vi phạm về pháo và xảy ra tình trạng pháo nổ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Căn cứ vào các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, ngoài việc chăm lo tết cho người dân, chính quyền các huyện, thành phố cũng đang tập trung tuyên truyền, nhắc nhở về việc "nói không" với sản xuất, tàng trữ, kinh doanh và sử dụng các loại pháo trong dân cư.
Như tại tổ dân phố 9, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum), vào cuối buổi chiều và tối cận kề Tết Nguyên đán 2019, ông Trần Đàm Thoại - Tổ trưởng Tổ dân phố 9 đi khắp xóm trên, đường phố dưới để nói chuyện với bà con ở khu dân cư, dặn dò các cháu thanh thiếu niên “3 không”: không mua, không tàng trữ và không đốt các loại pháo nổ.
|
Ngoài việc đi đến tận nhà dân nhắc nhở, ông Thoại còn sử dụng loa phóng thanh đọc rõ ràng và nhấn mạnh: Nếu các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước về các hành động liên quan đến pháo, thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng hình thức phạt tiền, còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm... không những tổn thất về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng...
Bên cạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các cấp và các ngành còn tuyên truyền đến lực lượng thanh thiếu niên, nhất là các em học sinh, sinh viên được nghỉ tết về sum họp dài ngày cùng gia đình ở khu dân cư.
Thông tin từ Sở GD&ĐT, đầu tháng 1/2019, sau khi có Chỉ thị 01 của UBND tỉnh, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức tuyên truyền cho gần 155 ngàn học sinh, sinh viên về tác hại nghiêm trọng của việc đốt pháo, làm ảnh hưởng đến tính mạng, kinh tế và trật tự xã hội. Đối với những trường hợp học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo nội quy, quy chế trường học, quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của pháp luật. Đồng thời, thông qua lực lượng học sinh, sinh viên - các em là tuyên truyền viên để truyền thông điệp đến người thân, gia đình thực hiện nghiêm việc cấm tàng trữ, mua bán trái phép và sử dụng các loại pháo nổ, chất gây nổ (theo quy định của nhà nước), nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người dân.
Như ở Trường Trung học cơ sở Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng, thầy giáo Phạm Đức Phước - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2019, vào các buổi chào cờ và sinh hoạt lớp, ngoại khóa Đoàn - Đội, các thầy cô giáo liên tục nhắc nhở hơn 2 ngàn học sinh không mua pháo, không nghịch đốt pháo dưới bất kỳ hình thức nào. Các thầy cô cũng giải thích cho các em hiểu, việc đốt pháo là vi phạm pháp luật của nhà nước.
Mặt khác, nhà trường còn tuyên truyền tác hại của việc đốt pháo gây ra nhiều vụ thương tích cho thân thể, sức khỏe con người, thậm chí dẫn đến tử vong. Trường hợp người đốt thuốc pháo có khối lượng lớn còn gây ra các vụ cháy nổ, làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư. Việc đốt pháo bất ngờ cũng sẽ gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến thính giác của những người xung quanh, làm cho công việc quản lý, giữ gìn an ninh trật tự của các cơ quan chức năng trở nên khó khăn...
Công tác tuyên truyền về thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về lĩnh vực này đã thực hiện đồng loạt trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Thoại chia sẻ: Qua trao đổi thông tin, Ban quản lý các tổ dân phố hoặc thôn khác trong tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ nghiêm việc không sản xuất và tàng trữ, đốt các loại pháo nổ. Thế nhưng, buổi tối ở khu dân cư thỉnh thoảng có tình trạng các thanh niên ở nơi khác lái xe máy lợi dụng các tuyến phố vắng người để đốt pháo quăng ra lòng đường, rồi phóng xe máy chạy mất hút. Khi bà con báo tin, cán bộ dân phố ra không thấy người gây ra việc này. Chính việc làm thiếu ý thức của một bộ phận nhỏ như thế làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, vi phạm pháp luật về cấm đốt pháo cần lên án, xử lý nghiêm.
Ông Thoại cũng đề nghị các ngành chức năng, lực lượng công an ở các địa phương nên tăng cường hỗ trợ các ban quản lý tổ dân phố, khu dân cư để tuần tra, đưa các trường hợp vi phạm sản xuất, tàng trữ, đốt các loại pháo nổ lên các phương tiện truyền thông để xử lý răn đe, tăng tính giáo dục về tuân thủ pháp luật.
Từ ý kiến của người có trách nhiệm, mong rằng các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa thực hiện Chỉ thị 01 của UBND tỉnh. Đặc biệt, mỗi công dân ở địa phương, bao gồm cán bộ, công chức viên chức, đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên luôn nêu gương thực hiện tốt quy định của nhà nước về công tác trên, để tất cả đón Tết Kỷ Hợi đảm bảo an toàn, tươi vui, tiết kiệm.
MAI TRÂM