Phía sau một phiên tòa
Với tổng mức hình phạt 92 năm 6 tháng tù giam mà Hội đồng xét xử đã tuyên cho các bị cáo là mức án thích đáng, đúng người, đúng tội, nhưng phía sau bản án còn là những vấn đề đáng nói.
Đúng 7h30 sáng 26/10, phiên tòa lưu động xét xử công khai vụ án hình sự Trần Văn Chiến cùng đồng phạm về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo Điều 232 Bộ luật Hình sự chính thức được khai mạc tại Nhà văn hóa xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô).
Tội trạng của 16 bị cáo được cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nêu rất rõ, rất chi tiết trên 25 trang giấy đánh máy về hành vi phá rừng.
Vào đầu tháng 2/2020, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, Vũ Minh Tuân (sinh năm 1979) - trú tại thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi gọi điện thoại liên lạc với Trần Văn Chiến (sinh năm 1989) - trú tại thôn Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô hỏi thăm tình hình thực hiện việc khai thác gỗ. Sau khi nắm bắt tình hình và chuẩn bị các phương tiện, máy cưa xăng, xe máy độ chế, từ ngày 14/2/2020 đến ngày 29/2/2020, bị cáo Trần Văn Chiến và Vũ Minh Tuân cùng 14 đối tượng khác đã tổ chức 2 đợt khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 277, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tại địa bàn xã Đăk Rơ Nga.
|
Vào khoảng 2 giờ 20 phút ngày 29/2/2020, trên đường vận chuyển gỗ đến nơi tập kết tại khoảnh 11, tiểu khu 277, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã bị tổ tuần tra của Lâm trường Đăk Tô phát hiện và lập biên bản, kiểm tra, bắt giữ 11 đối tượng gồm Vũ Minh Tuân và đồng bọn về hành vi sử dụng xe mô tô độ chế vận chuyển lâm sản trái phép. Tiếp đó, lực lượng tuần tra Lâm trường Đăk Tô tiếp tục đi vào khu vực hiện trường tại khoảnh 3, tiểu khu 277, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô phát hiện 2 đối tượng trong nhóm đang cưa xẻ gỗ trái phép. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại quy tròn trong 2 đợt khai thác trên 45m3 gỗ giổi, thuộc nhóm III. Tổng trị giá trên 800 triệu đồng.
Tại phần xét hỏi, trước Hội đồng xét xử, hầu hết các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi trước tội trạng mà mình gây ra những mong được Hội đồng xét xử xem xét, khoan hồng giảm nhẹ tội, bởi hầu hết các bị cáo đều là những người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự. Trong quá trình bị tạm giam để chờ ngày hầu tòa, gia đình các bị cáo cũng đã có trách nhiệm khắc phục một phần hậu quả do các bị cáo gây ra, những mong người thân của mình được giảm một phần hình phạt.
Có bị cáo Nguyễn Quốc Khiết (sinh năm 1990), quê ở tận tỉnh Bình Dương, xa gia đình, cha mẹ đến tỉnh Kon Tum để kiếm việc làm, nhưng chẳng may bị rủ rê, hám tiền nên lâm vào vòng lao lý. Khi bị Hội đồng xét xử chất vất trước tòa, bị cáo Khiết đã khóc như một đứa trẻ vì ân hận với hành vi phạm tội của mình. Bị cáo đã tỏ vẻ ăn năn thành khẩn, nhận lỗi với gia đình, cha mẹ vì phạm tội mà trở thành đứa con bất hiếu. Bị cáo mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm có cơ hội cải tạo, hoàn lương trở về cộng đồng làm một công dân tốt.
Tuy vậy, có bị cáo như Ma Văn Xuyên (sinh năm 1975) trú tại thôn 2, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi là người “thấy vết đổ của bánh xe mà không tránh”, bởi chiếc cưa mà Xuyên mang theo để làm phương tiện khai thác gỗ trái phép là của em trai mình, người đang chấp hành án tại Trại giam Gia Trung cũng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Tại phiên tòa, Xuyên đã ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình.
Trong số 16 bị cáo nói trên, có lẽ Trần Văn Chiến (sinh năm 1989) - trú tại thôn Đăk Manh I, xã Đăk Rơ Nga, kẻ chủ mưu trong vụ án này, tỏ ra lì lợm nhất. Ban đầu, Chiến quanh co khai báo không thật, nhằm che giấu bớt một phần hành vi phạm tội của mình, nhưng trước những chứng cứ đanh thép, rõ ràng nên Trần Văn Chiến cuối cùng cũng phải khai nhận hoàn toàn hành vi phạm tội để mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt.
Với tổng mức hình phạt 92 năm 6 tháng tù giam mà Hội đồng xét xử đã tuyên cho các bị cáo là mức án thích đáng, đúng người, đúng tội dành cho những kẻ xem thường pháp luật, xâm hại tài nguyên rừng. Hình phạt nghiêm khắc này cùng với việc đưa ra xét xử lưu động để mọi tầng lớp nhân dân cùng biết, cùng nghe và nắm rõ sự việc sẽ góp phần răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân trong vùng, nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn.
Đây là một vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự phân công công việc và chuẩn bị công cụ phạm tội rất cụ thể đối với từng bị can nhằm phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong vụ án này, ngoài Trần Văn Chiến, Vũ Minh Tuân cũng là người chủ mưu, tổ chức, khởi xướng, còn các bị cáo khác là những người được phân công thực hiện tội phạm.
Phiên tòa khép lại, các bị cáo đều nhận mức hình phạt tương xứng với tội trạng, hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên, cũng cần xem xét, đề cập đến trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chức năng, cụ thể là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Đăk Tô trong việc để các bị cáo vào rừng khai thác gỗ trái phép trong thời gian dài mà không phát hiện.
Dương Đức Nhuận