Ngọc Hồi: Hàng loạt người bị lừa vì sổ đỏ “dởm”
Hàng loạt người ở thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) đang đứng ngồi không yên vì bị một phụ nữ dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả cầm cố để mượn hàng tỷ đồng rồi bỏ đi khỏi địa phương.Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương này…
Tiếp xúc với phóng viên, ông Cao Văn Dũng (46 tuổi), ở đường Hùng Vương, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) “than vắn, thở dài” vì trót bị lừa mất tiền tỷ.
Theo lời ông Dũng kể, thông qua người quen, ông biết bà Nguyễn Thị Ngọc (32 tuổi, trú thị trấn Plei Kần). Bà Ngọc nói có lô đất muốn bán và dẫn ông Dũng đi xem ở đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Plei Kần), rộng 231m2, trong đó có 132m2 là đất ở đô thị, còn lại là đất trồng cây hàng năm. Sau đó, ông Dũng đồng ý mua lô đất của bà Ngọc với giá 1,6 tỷ đồng.
Theo lời kể của ông Dũng, sau khi thống nhất giá cả, bà Ngọc hỏi mượn trước 700 triệu đồng, giao sổ đỏ đất cho ông Dũng giữ để làm tin và hẹn tuần sau hai bên đi làm thủ tục mua bán đất.
Xem bìa đỏ, ông Dũng thấy tên chủ đất là Trần Mỹ Diện, nhưng phần ghi thay đổi ở trang 3 trên sổ đỏ là đã chuyển nhượng sang cho bà Ngọc. Vì vậy, ông Dũng tin và tiến hành giao tiền theo 3 đợt (vào các ngày 7/1, 8/1 và 15/1/2019), tổng cộng 700 triệu đồng (2 lần bằng tiền mặt, 1 lần chuyển khoản) cho bà Ngọc và chồng bà Ngọc là Lê Văn L.
|
Vài ngày sau, ông Dũng nghe bà Nguyễn Thị B (53 tuổi, ở thị trấn Plei Kần) báo tin, bà Ngọc khi đưa bà B xuống xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) xem đất và ra phòng công chứng Điện Ngọc làm thủ tục mua bán đất thì bị phát hiện sổ đỏ giả.
Lo ngại, ông Dũng mang sổ đỏ lên gặp ông Huỳnh Văn Cảnh - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ngọc Hồi để xác minh. Ông Cảnh nói chữ ký trong sổ đỏ không phải của mình và hướng dẫn ông Dũng trình báo Công an huyện Ngọc Hồi.
Đến ngày 21/1, khi ông Dũng trình báo lên, Công an huyện Ngọc Hồi đã mời ông Lê Văn L để điều tra làm rõ, còn bà Ngọc thì đã rời khỏi địa phương.
Ông Dũng cho chúng tôi biết, ông sống bằng nghề môi giới nhà đất nên rất cẩn thận, yêu cầu xem sổ hộ khẩu, chứng minh thư của vợ chồng bà Ngọc và ông L, nhưng không thể nhận ra đó là bìa đỏ giả, vì quá tinh vi.
Ông Trần Mỹ Diện (53 tuổi) và vợ là Bùi Thị Cẩm Tú (41 tuổi) cho biết, lô đất mà bà Ngọc làm sổ đỏ giả bán cho ông Dũng là của mình, hiện ông đang giữ sổ đỏ thật tại nhà.
Trước đây, ông Diện tính bán lô đất nói trên, bà Ngọc đến hỏi mua, xin photo sổ đỏ. Sau này bà Ngọc không có tiền nên ông Diện không bán. Không hiểu bà Ngọc làm kiểu gì ra sổ đỏ mới mang tên mình, đi bán lại cho ông Dũng.
Nhiều trường hợp ở thị trấn Plei Kần đã phản ánh với chúng tôi những “chiêu trò lừa gạt” của bà Ngọc bằng cách mượn tiền, vay tiền thông qua đưa sổ đỏ cho chủ nợ để làm tin.
Bà Tú (vợ ông Diện) cho biết, đầu tháng 1/2019, bà Ngọc đến mượn mình 269 triệu đồng để đi đáo hạn ngân hàng và cam kết 5 ngày sau sẽ trả nhưng đợi mãi không thấy bà Ngọc đến.
Bà Tú hỏi, bà Ngọc nói cho mượn thêm 400 triệu đồng nữa và thế chấp bằng sổ đỏ một lô đất 242m2 ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Sổ đỏ này mang tên Vũ Thị Quỳnh, nhưng phần ghi chi tiết ở trang 3 đã chuyển nhượng cho bà Ngọc. Cầm sổ đỏ trong tay, bà Tú nghĩ chắc ăn nên "giải ngân" 400 triệu đồng cho bà Ngọc.
Còn bà Nguyễn Thị B cho biết, trước Tết Kỷ Hợi 2019, bà Ngọc cũng mượn của mình hơn 400 triệu đồng và đưa sổ đỏ là lô đất 242m2 ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn cho mình giữ. Thời gian sau, khi đi làm thủ tục mua bán thì phát hiện sổ đỏ làm giả.
Bà B mang sổ đỏ này đối chiếu với sổ đỏ giả mà bà Ngọc đưa cho bà Tú thì thấy giống nhau, nghĩa là có 2 sổ đỏ giả trên cùng một lô đất.
Theo lời bà B, khi phát hiện sổ đỏ giả, Công an huyện Điện Bàn có mời bà Vũ Thị Quỳnh để xác minh. Bà Quỳnh đã mang sổ đỏ thật cho bên công an xem.
Theo bà Tú, bà B và các trường hợp phản ánh với phóng viên, số người bị bà Ngọc dùng sổ đỏ giả để vay mượn tiền rất nhiều, số tiền gần vài tỷ đồng. Đó là những trường hợp biết được, có thể còn nhiều trường hợp bị lừa kiểu này. Các nạn nhân cũng cho biết, Công an tỉnh Kon Tum đã trực tiếp làm việc, ghi nhận những thông tin phản ánh ban đầu.
Một lãnh đạo Công an huyện Ngọc Hồi cho biết, khi tiếp nhận tin tố giác tội phạm của ông Cao Văn Dũng, đơn vị tiến hành mời chồng bà Ngọc là ông Lê Văn L lên làm việc, riêng bà Ngọc đã bỏ đi khỏi địa phương, đến nay vẫn chưa rõ đi đâu. Sau đó, vì số tiền 700 triệu đồng (vượt thẩm quyền của đơn vị) nên Công an huyện Ngọc Hồi bàn giao cho Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Kon Tum thụ lý.
Sau vụ trình báo trên, có nhiều trường hợp đến Công an huyện Ngọc Hồi trình báo liên quan đến bà Ngọc, đơn vị đã hướng dẫn người dân đến gặp Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Kon Tum để trình báo. Theo lãnh đạo Công an huyện Ngọc Hồi, vụ việc có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước, cụ thể ở đây là sổ đỏ, chữ ký giả.
Đại tá Lê Đình Vinh - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang tiếp nhận tin tố giác tội phạm của người dân liên quan đến bà Ngọc và tiến hành xác minh vụ việc.
Bài và ảnh: PA-PN