Góp phần ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội
Thời gian qua, bão lũ liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Lợi dụng việc cả nước chung tay chia sẻ thiệt hại, đau thương cùng đồng bào miền Trung, một số cá nhân, tổ chức đã sử dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt.
Ở Kon Tum, ngày 26/10, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) đã kịp thời phát hiện và phối hợp với Đội An ninh - Công an thành phố Kon Tum làm việc với bà N.T.T.T. Trước đó, bà T đã sử dụng facebook cá nhân đăng tải dòng trạng thái “Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự đoán ngày 25/10, Việt Nam sẽ hứng chịu một cơn siêu bão (bão số 8) lên đến cấp 17 (cấp cao nhất tại Việt Nam). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão lên tới 220 km/h, dự kiến đổ bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Bình”. Đoạn tin giả trên đã thu hút hàng chục lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận chỉ sau vài giờ đăng tải. Hành vi của bà N.T.T.T vi phạm Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018.
Nạn tin giả không phải là mới, song những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là internet và mạng xã hội, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, nhận diện tin giả, nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó làm cơ sở nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hiện nay.
|
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, trước hết, người sử dụng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn thông tin. Nếu nguồn thông tin đến từ người lạ hoặc một trang tin tổng hợp không rõ nguồn gốc, người dùng mạng xã hội cần phải cảnh giác trước khi chia sẻ. Người dùng mạng xã hội cũng cần kiểm tra kỹ nội dung để xác định đây là thông tin thật hay giả. Tin giả thường hay bị sai chính tả, bố cục lộn xộn, hình ảnh, video thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung ngày tháng... Trong trường hợp này, người dùng mạng xã hội nên tìm các tin, bài viết trên các trang báo chính thống (báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, VOV… ở Trung ương và báo Đảng địa phương), có nội dung tương tự để đối chiếu. Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dùng mạng xã hội cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Lâu nay hoạt động báo chí, tuyên truyền đã làm tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc sử dụng, tiếp nhận thông tin trên internet và mạng xã hội, phòng, chống nạn tin giả… Tuy nhiên, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tăng cường hơn nữa. Bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân trong việc nhận diện tin giả để chủ động phòng, tránh; tuyên truyền về tác hại của tin giả cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong tạo dựng và phát tán tin giả… cần tăng cường thông tin chính thống, bảo đảm chính xác, kịp thời, góp phần ngăn chặn tin giả, tin gây thất thiệt trên internet và mạng xã hội. Cùng với đó, tuyên truyền sự tích cực, chủ động của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân phát tán thông tin giả trên mạng xã hội.
Nguyễn Phi Em