Cảnh giác “chiêu” nhận quà – lừa tiền trên Facebook
Thời gian vừa qua, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã tiếp nhận 4 đơn trình báo của người bị hại trên địa bàn tỉnh, tố bị người nước ngoài lừa đảo hàng trăm triệu đồng qua mạng xã hội Facebook. Thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng nhiều người vì thiếu thông tin, vì lòng tham nên vẫn mắc bẫy...
Bẫy quà ảo, nhiều phụ nữ bị lừa tiền
Tháng 5/2018, chị Trần Ngọc Bích trú tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (tên các bị hại trong bài và địa chỉ thường trú đã được thay đổi) làm quen, kết bạn với một người đàn ông nước ngoài tên Mar This Lawrance qua ứng dụng nhắn tin Messenger (mạng xã hội Facebook).
Theo lời chị Bích, Mar kể rằng, vợ anh ta đã mất, hiện chỉ còn con gái nhỏ tuổi và đang chiến đấu tại chiến trường Afganistan. Sau hơn một tháng nhắn tin qua lại, đôi bên thấy quý mến nhau và ít nhiều nảy sinh tình cảm. Để mối quan hệ thêm sâu đậm, Mar hỏi chị Bích địa chỉ và nói sẽ gửi tặng cho chị một món quà để làm tin.
|
Tháng 6/2018, chị Bích nhận được một cuộc điện thoại từ số 0163 558 xxxx, người đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của công ty chuyển phát quốc tế nói rằng chị có một gói quà gửi về từ nước Afganistan, yêu cầu chị nộp 23 triệu đồng để thanh toán thuế Hải quan và cước phí nhận hàng.
Chị Bích nhắn tin hỏi Mar để xác nhận thì được biết đúng là anh ta đã gửi quà cho chị và bảo chị nộp tiền để nhận gói quà này.
Để chị Bích tin tưởng, nhân viên của công ty chuyển phát quốc tế còn gửi ảnh vận đơn hàng không và ảnh gói quà có ghi rõ địa chỉ, họ tên người nhận là của chị Bích.
Chị Bích liền đi mượn tiền của người thân để nộp vào tài khoản có tên Bùi Minh Sang, số tài khoản 1903 2284 7650 11 tại Ngân hàng Techcombank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền 23 triệu đồng.
Sau khi nhận được tiền của chị Bích gửi, người tự xưng là nhân viên của công ty chuyển phát quốc tế tiếp tục gọi cho chị Bích và nói rằng trong gói quà của chị có 30.000 đô la Mỹ (tương đương hơn 600 triệu đồng), việc để số lượng lớn đô la Mỹ trong hàng hoá gửi từ nước ngoài về Việt Nam là sai quy định và đang bị cơ quan Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất giữ lại, người này yêu cầu chị Bích nộp phạt hơn 100 triệu đồng mới được nhận gói quà.
Chị Bích nói không có tiền thì người này nói hãy liên lạc với người gửi gói hàng. Chị Bích nhắn tin cho Mar thì được anh ta động viên bảo chị đi vay để nộp phạt và nhận được gói quà thì sẽ có tiền để trả nợ.
Chị Bích đi vay nóng để có số tiền gửi đi. Sau đó, người tự xưng là nhân viên của công ty chuyển phát quốc tế đã gửi ảnh chụp hoá đơn của Hải quan cho chị Bích xem làm tin và tiếp tục yêu cầu chị Bích phải nộp tiền cho Kho bạc nhà nước để số tiền 30.000 đô la Mỹ được lưu hành tại Việt Nam mà không bị quy tội rửa tiền, đồng thời, cũng yêu cầu chị nộp tiền thuê luật sư để bảo vệ cho gói hàng này.
Cứ như vậy, chị Bích lại đi vay nóng và gửi tiền cho đối tượng này, với tổng số tiền đã gửi lên tới hơn 370 triệu đồng.
Sự việc vẫn chưa kết thúc, chị Bích tiếp tục nhận được cuộc gọi của người này báo rằng, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra lần cuối phát hiện trong gói quà số tiền không phải là 30.000 đô la Mỹ mà là 250.000 đô la Mỹ (tương đương hơn 5 tỷ đồng), người này nói người nhà chị (tức Mar This Lawrance) gian dối để trốn thuế, nói chị phải nộp 189.900.000 đồng nếu không Hải quan sẽ giữ gói hàng và nói rằng anh ta cũng sẽ bị kỷ luật vì thông đồng với chị để trốn thuế.
Lúc này, chị Bích không còn khả năng vay tiền và không còn gì để thế chấp, chị tâm sự việc này với một người bạn và được biết mình đã bị lừa.
Cũng giống như chị Bích, chị Nguyễn Thị Thu Huyền trú tại đường Huỳnh Đăng Thơ (thành phố Kon Tum) cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự.
Tháng 6/2018, một người đàn ông tên Bill Banon chủ động liên lạc và kết bạn với chị Huyền qua Facebook. Thấy được việc nói chuyện với người nước ngoài có lợi trong việc nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, chị Huyền thường xuyên nhắn tin và nhận được những lời mùi mẫn, tỏ tình từ Bill Banon.
Bill Banon nói rằng anh ta sinh sống và chiến đấu ở đất nước đang chiến tranh. Bill Banon tâm sự với chị Huyền rằng anh ta có một khoản tiền gần 2 triệu đô la Mỹ (tương đương hơn 40 tỷ đồng) là tiền lương của quân đội Mỹ trả. Bill Banon viện dẫn lí do đang ở đất nước chiến tranh nên không ra ngân hàng chuyển tiền được, vì vậy anh ta sẽ gửi tiền về Việt Nam nhờ chị Huyền giữ hộ, đồng thời hứa sẽ cho chị Huyền một khoản tiền nếu việc gửi tiền về Việt Nam thành công.
Bill Banon còn dặn chị Huyền phải giữ bí mật chuyện này không cho ai biết và bắt chị xoá các tin nhắn cuộc nói chuyện giữa 2 người vì anh ta làm trong cơ quan quân sự.
Ngày 16/8/2018, Bill Banon nhắn với chị Huyền rằng đã gửi tiền về và dặn chị chuẩn bị chứng minh nhân dân để ra bưu điện nhận tiền.
Ngày 20/8/2018, một người tự xưng là nhân viên của công ty chuyển phát quốc tế tại Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất gọi cho chị Huyền qua số điện thoại 0522 768 xxx yêu cầu chị chuyển số tiền 35 triệu đồng vào tài khoản số 0501 000 169 506, chủ tài khoản tên Trần Thị Phật Tâm tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để nộp tiền cước của gói hàng này.
Sau khi gửi 35 triệu đồng vào tài khoản Trần Thị Phật Tâm, chị Huyền tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại trên và người này nói rằng gói hàng chứa tiền đã bị cơ quan Hải quan sân bay thu giữ, yêu cầu chị chuyển số tiền 79 triệu đồng để “lót tay” cho Công an và hứa sẽ giải quyết để chị nhận được gói hàng này.
Khi gửi 79 triệu đồng xong, chị Huyền có gọi lại nhưng không liên lạc được với số điện thoại này, chị Huyền phát hiện trang cá nhân trên facebook của Bill Banon đã khoá, mọi thông tin liên lạc giữa chị và Bill Banon cũng không còn, lúc này chị Huyền bừng tỉnh biết rằng mình là nạn nhân của của một vụ lừa đảo tinh vi.
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo
Thượng tá Lê Thanh Hải – Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) cho biết: Có 2 nhóm tội phạm câu kết chặt chẽ với nhau là người nước ngoài và người Việt Nam. Trong đó, những người nước ngoài (đa số là người gốc Phi, không có việc làm) chịu trách nhiệm lập Facebook giả với chân dung, thông tin là các quân nhân Mỹ đang chiến đấu tại các nước như Afganistan, Syria… Sau khi chủ động kết bạn, làm quen với một phụ nữ bất kì, những "quân nhân Mỹ" này sẽ tán tỉnh. Để làm tin, các đối tượng này sẽ tặng quà, tặng tiền, thậm chí hứa về Việt Nam sinh sống và đi du lịch cùng người bị hại.
Nhóm thứ 2 là người Việt Nam thường sử dụng sim rác để đóng giả nhân viên của công ty chuyển phát quốc tế, cán bộ Hải quan, cán bộ An ninh sân bay… để gọi thông báo cho bị hại về việc nhận quà hoặc tiền về Việt Nam nhưng bị cơ quan chức năng ở sân bay giữ lại, đồng thời thúc giục nạn nhân nộp nhiều khoản phí bằng cách chuyển tiền để “chuộc” hàng hoá.
|
Thiếu tá Đinh Quốc Tuấn – Đội trưởng Đội điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho hay: Sau khi bị hại sập bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ khoá facebook, bỏ sim rác, nhanh chóng chuyển tiền chiếm đoạt được qua nhiều tài khoản khác nhau của nhiều ngân hàng khác nhau, cuối cùng, bọn chúng sẽ rút tiền ở ngân hàng của một nước bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên quá trình điều tra gặp khó khăn.
“Việc thuê chứng minh nhân dân hoặc làm giả chứng minh nhân dân để mở thẻ ngân hàng một cách dễ dàng đã tạo kẻ hở, góp phần cho tội phạm công nghệ cao hoạt động” – Thiếu tá Tuấn nói.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khuyến cáo: Bị hại mà loại tội phạm lừa đảo này nhắm đến chỉ là phụ nữ. Nếu gặp những tình huống tương tự như trên, tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng này, bất cứ giá nào cũng không được gửi tiền cho người lạ. Hơn nữa, cần tỉnh táo với các mối quan hệ trên mạng xã hội, đặc biệt là với người nước ngoài.
Do đó, khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, nhân dân phải gọi ngay số điện thoại 02603 684 388 gặp Trực ban hình sự (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra) báo, để cơ quan công an kịp thời có biện pháp phối hợp ngăn chặn.
Bài, ảnh: Đức Thành