Cán bộ thôn lập rào chắn "thu phí" xe tải
Cán bộ thôn dùng lưới B40 rào chặn, thu tiền các xe tải vào khu sản xuất thu mua mì - Tình trạng này đang diễn ra tại thôn Tê Pên của xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô). Khi phát hiện, chính quyền Đăk Trăm đã chấn chỉnh, yêu cầu chấm dứt ngay, nhưng cán bộ thôn Tê Pên vẫn lén “thu phí" các xe tải, bất chấp ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Sáng 4/12, phóng viên Báo Kon Tum có mặt tại xã Đăk Trăm để tìm hiểu vụ việc cán bộ thôn Tê Pên tự ý dựng rào chắn để “thu phí" xe tải vào khu sản xuất của thôn để thu mua mì, như dư luận phản ánh trước đó.
Trong vai phụ xe, chúng tôi cùng lái xe tải có trọng tải 8 tấn đi từ Quốc lộ 40B đến ngã 3 UBND xã Đăk Trăm rẽ vào Tỉnh lộ 678 đến thôn Tê Pên.
Theo lộ trình đã định, chiếc xe tải chở chúng tôi băng qua con đường bên nhà rông thôn Tê Pên, rẽ vào con đường đất chạy ra bờ suối đến khu sản xuất của người dân trong thôn.
Muốn sang những ngọn đồi bạt ngàn rẫy mì, chiếc xe phải “bò” qua con suối cạn với con đường đất ngoằn ngoèo. Khi đi đến sát bờ suối nơi có một gốc cây cổ thụ, xe chúng tôi buộc phải dừng lại, bởi hàng rào chắn với hệ thống trụ gỗ, được giăng kín bằng lưới B40 chắn ngang. Hàng rào này được khóa cẩn thận xe ô tô không thể đi mà chỉ mở một lối nhỏ xe máy qua lại.
|
Hỏi người lái xe ngồi bên cạnh thì được biết, chính Trưởng thôn A Trinh lập rào chắn, xe nào muốn qua, phải gọi điện cho trưởng thôn, ông ấy trực tiếp ra mở, hoặc khi ông bận thì cử người khác ra mở. Mỗi xe vào khu vực sản xuất phải nộp “lệ phí” 300.000 đồng.
Chiếc xe chúng tôi dừng trước hàng rào chắn, lái xe nhiều lần gọi điện cho Trưởng thôn A Trinh, nhưng ông không nghe máy. Khi xe quay trở lại, tới đầu thôn thì nhận được điện thoại A Trinh bảo “cứ đợi đó ông sẽ cho cán bộ mặt trận thôn ra mở rào chắn cho xe qua”.
Một lúc sau, một người đàn ông chạy xe máy đến mở khóa, dịch chuyển hàng rào, nhưng anh ta đòi lái xe phải nộp phí 300.000 đồng, nếu không sẽ không cho xe qua. Thế là, lái xe buộc phải đưa tiền cho người đàn ông này để được vào khu vực sản xuất. Chờ cho xe vào khu vực bên trong, ông ta lại tiếp tục kéo rào chắn lại, khóa cẩn thận rồi mới trở về.
|
Qua tìm hiểu, một chủ xe cho biết: Đã hơn một tháng nay, mỗi xe tải đi vào chở mì đều phải nộp cho trưởng thôn hoặc cán bộ thôn (những người ra mở khóa) 300.000 đồng/lượt, có khi xe vào không có hàng ra không cũng bị nộp 300.000 đồng. Có lúc trưởng thôn trực sẵn để thu tiền mở rào chắn, khi bận thì cán bộ mặt trận thôn ra nhận.
Cứ thế, mỗi lần xe ra - vào, lái xe đều phải gọi điện cho A Trinh để có người ra mở rào chắn thì mới đi được. Bởi vậy, chẳng những mất tiền một cách vô lý vì “lộ phí” thôn Tê Pên tự đặt ra mà các tài xế còn phải chờ đợi rất mất thời gian và phiền phức.
Khi các chủ xe thắc mắc về lý do thu phí thì Trưởng thôn Tê Pên A Trinh thản nhiên trả lời là “thu để bù lại số tiền mà người dân bỏ ra sửa chữa”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch xã Đăk Trăm khẳng định: Cách đây ít ngày, nhận được thông tin từ nhân dân và những chủ xe về việc lãnh đạo thôn Tê Pên lập rào chắn ngay đầu đường qua khu trồng mì của thôn để thu phí đối với những xe vào thu mua mì, ngay lập tức lãnh đạo xã xuống hiện trường và chỉ đạo lực lượng chức năng tháo dỡ rào chắn. UBND xã Đăk Trăm cũng đã triệu tập thôn trưởng, thôn phó, cán bộ mặt trận thôn Tê Pên cùng một số chủ xe lên làm việc tìm hiểu nguyên nhân và bàn giải pháp giải quyết, đồng thời yêu cầu thôn Tê Pên chấm dứt ngay việc “thu phí” đối với phương tiện qua lại.
Theo ông Trương Đình Tuệ, con đường qua khu trồng mì đoạn qua suối đã bị lũ cuốn lở một đoạn, sau đó 6 hộ dân đã hiến đất mở đường, xã hỗ trợ rọ đá, đá và một chủ thu mua mì tên Hồng Sợi (chủ cơ sở thu mua mì Đức Vinh) hỗ trợ xe chở đất đá sửa chữa lại đoạn đường. Đến mùa thu hoạch mì, trưởng thôn Tê Pên tự ý làm gác chặn đường “thu phí”.
“Tại buổi làm việc, những chủ xe đồng ý góp 18 triệu đồng trả lại kinh phí đắp đường cho 6 hộ dân trong thôn, nhưng Trưởng thôn A Trinh không đồng ý(?)”- ông Tuệ cho biết thêm.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lúc đầu, cán bộ thôn Tê Pên dựng rào chắn ngay điểm tiếp giáp giữa con đường đất và đường bê tông ngay trong thôn để thu phí, nhưng chính quyền xã Đăk Trăm cương quyết dẹp bỏ. Tưởng chuyện này chấm dứt, thế nhưng mấy ngày sau, Trưởng thôn Tê Pên lại lập rào chắn lùi vào cách điểm cũ khoảng 500m, sát bờ suối và tiếp tục thu tiền của các xe vào thu mua mì.
Thiết nghĩ, để đảm bảo lợi ích của người dân trong việc mua bán nông sản và ngăn chặn việc làm sai trái của cán bộ thôn Tê Pên, đã đến lúc chính quyền xã Đăk Trăm và cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kiên quyết hơn.
Bài, ảnh: Phúc Nguyên