“Bóng ma tín dụng đen” và cuộc chiến chưa có hồi kết - Kỳ I: Sóng ngầm “tín dụng đen”
Len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn như một “bóng ma”, với đủ loại chiêu trò, mánh lới bất lương, “tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, xã hội. Cuộc chiến loại bỏ “tín dụng đen” đang bước vào hồi quyết liệt, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Không khó để nhận thấy, con sóng ngầm tín dụng đen đang len lỏi khắp nơi. Với lãi suất cho vay “cắt cổ” và những mánh lới đòi nợ đầy bất lương, tín dụng đen gieo rắc nỗi sợ hãi khôn cùng cho những nạn nhân, gây bất ổn về an ninh trật tự...
"Khác gì cướp ngày..."
- Bây giờ bà có trả cho chúng tôi ngay không thì bảo.
Hai thanh niên bặm trợn rít lên khi chặn xe một phụ nữ ngay trên đường Ure (thành phố Kon Tum). Mặt người phụ nữ xanh mét, ánh mắt cầu cứu xung quanh, ghì chặt lấy tay lái xe. Có cảm giác rằng, chị sẽ ngã quỵ bất cứ lúc nào.
"Lại dính vào tín dụng đen đây mà. Tội nghiệp! Sao lại dính vào cái đồ ghê gớm ấy chứ"- người đi đường xì xào. Không ai dám đến gần, chỉ có thể từ xa nhìn chị bằng ánh mắt cảm thông xen lẫn thương hại.
Cũng không biết chị đã thỏa thuận hay năn nỉ thế nào mà 2 thanh niên rồ máy xe bỏ đi, quẳng lại lời đe dọa: Cho bà 2 ngày để trả nợ, nếu không đừng trách bọn này nặng tay. Lãi suất cũng tăng đấy nhé!
Người phụ nữ ngã ngồi xuống đường, òa khóc.
Tôi và vài ba người nữa xúm lại, đỡ chị lên, đưa vào quán nước ven đường ngồi nghỉ. Và có lẽ, do cảm nhận được sự cảm thông thực sự từ những người xung quanh, hoặc cần người nói chuyện để bớt nỗi u uất trong lòng nên chị đã kể ra câu chuyện của mình.
Chồng chị vốn là thầu xây dựng, cũng không phải làm ăn lớn gì, chỉ làm thầu phụ, chuyên nhận lại các công trình nhỏ để làm, nhưng được cái anh tháo vát, giỏi quan hệ, chịu khó, nên trong thời buổi khó khăn vẫn kiếm được việc đều, kinh tế gia đình không đến nỗi nào.
Thế rồi một ngày, anh nói với chị cần gấp một khoản tiền 100 triệu đồng để ứng vật liệu, mấy ngày nữa chủ thầu chính thanh toán sẽ trả lại. Chị giật mình. Đúng lúc trong nhà có bao nhiêu tiền chị đã góp với bạn mua đất, vay ngân hàng thì thủ tục rắc rối, hơn nữa, nhà cửa, xe cộ đều thế chấp lấy vốn cho anh làm ăn cả.
Khi chị đang chạy đôn chạy đáo để vay tiền thì có người quen rỉ tai: Mình có mấy đứa em chuyên cho vay đáo hạn ngân hàng, để mình giới thiệu cho, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, nhanh có tiền...
Chỗ người quen nên chị tin ngay. Đúng là thủ tục vay rất dễ dàng. Chỉ một cú điện thoại, chị được mời ra quán cà phê, đem theo sổ hộ khẩu, chứng minh thư; ký một bản hợp đồng "mua xe", mà theo lý giải của người cho vay là để "che mắt thiên hạ".
Lãi suất thì thỏa thuận miệng, mức 5.000 đồng/1 triệu/ngày; thời gian vay là 10 ngày. Nếu quá hạn chưa trả được gốc thì đóng lãi gia hạn 10 ngày tiếp theo... Dù có lo lắng, nhưng chị tặc lưỡi: Mình đang cần gấp, chỉ mấy ngày nữa, chủ thầu chính thanh toán, có tiền sẽ đem trả.
Điều chị hơi bất ngờ là dường như người cho vay chỉ để ý địa chỉ trên sổ hộ khẩu, những giấy tờ khác thì nhìn qua mà thôi.
Kể từ khi đặt bút ký hợp đồng, chị bắt đầu lún sâu vào vòng xoáy ma quái ấy. Khi đưa tiền, thay vì 50 triệu, chị chỉ được nhận 44,5 triệu đồng, thắc mắc thì được giải thích trừ 5 triệu đồng tiền lãi cho 10 ngày đầu; 500 ngàn đồng chi phí tư vấn cho nhân viên.
Cơn ác mộng thực sự đến với gia đình chị sau đó, khi công việc làm ăn của anh gặp trục trặc, trong khi phải gánh khoản tiền lãi 5.000 đồng/1 triệu/ngày, 10 ngày thu lãi một lần. Chưa kể hằng ngày "chủ nợ" o ép và dọa nạt; sáng ép, trưa ép và chiều ép càng khiến chị mất tinh thần; con cái phải gửi về nhà bố mẹ. 2 vợ chồng cãi nhau chán, quay sang tính phải bán lô đất mới mua để trả nợ.
"Tín dụng đen ấy mà, chẳng khác gì cướp ngày đâu chú ạ" - chị khóc.
Vay dễ, trả khó...
Khi nghe tôi nhờ vả tìm cách giúp thâm nhập một đường dây tín dụng đen đang hoạt động trên địa bàn phường Duy Tân thì cậu em "xã hội" gạt phắt: Anh không được liên hệ với chúng nó, nhớ nhé, dù bất cứ dưới hình thức nào.
Không giúp thì thôi - tôi nghĩ thế và thoáng nhớ đến những tờ rơi "quảng cáo" rải đầy trước cổng. Trên những tờ rơi ấy có số điện thoại, người ta rỉ tai nhau "cứ a lô là có tiền".
Ai ngờ, như đọc được suy nghĩ của tôi, cậu em phán một câu xanh rờn: Anh đừng nghĩ một cách đơn giản là cứ đóng giả người có nhu cầu vay tiền, gọi điện thoại cho chúng nó, hỏi dăm câu, sau đó lấy cớ này cớ kia để chuồn là xong đâu. Chúng nó sẽ truy theo số điện thoại, đe nẹt, dọa dẫm, o ép anh đủ kiểu đấy.
Thấy tôi có vẻ không tin, hắn kéo tôi lên xe dẫn đến nhà chị T (một người chị họ hàng xa của hắn) ở phường Trường Chinh. "Để anh nghe chính nạn nhân kể, không thì lại nói em hù anh"- hắn nói.
"Tôi đã trải qua những ngày sống trong thấp thỏm, lo lắng không yên bởi đã "trót dại" dính vào "tín dụng đen", phải chịu đủ chiêu trò, cách thức "làm tiền" của các đối tượng giang hồ" - chị rấm rức.
Theo lời kể của chị T, do cần gấp một số tiền, lại không muốn đến ngân hàng bởi ngại thủ tục rườm rà, chị đã gọi điện cho một số điện thoại trên tờ rơi với quảng cáo là "cho vay không thế chấp". Nhưng khi bình tĩnh lại, chị quyết định không vay nữa, ngay lập tức, đối tượng đổi giọng chửi bới, đe dọa và đòi 500 ngàn chi phí tư vấn, chị không đồng ý. Chỉ ít phút sau, một thanh niên tìm đến, rất lịch sự "xin" 1 triệu đồng, vì cộng thêm công tìm đến tận nhà. Chị vẫn lắc đầu, thanh niên im lặng bỏ đi.
2 ngày sau, có mấy thanh niên xăm trổ rồ xe trước nhà, chúng đập phá cổng, chửi bới, dọa nạt, khiến cả gia đình hết hồn, chị đành thỏa hiệp, chịu nộp chi phí tư vấn, thì chúng đòi 3 triệu đồng, chị cắn răng đưa tiền cho xong chuyện. Sau khi chúng bỏ đi, chị đã làm đơn tố cáo lên UBND phường (nơi chị T đang sinh sống)...
Trên thực tế, tín dụng đen đã âm thầm tồn tại từ nhiều năm nay, đến gần đây thì bùng phát dữ dội.
Một điều lạ là, dù người ta có thể nói ra rả về tác hại cũng như những chiêu trò, mánh lới bất lương của những kẻ “hành nghề tín dụng đen”, nhưng mỗi ngày vẫn có người bị cuốn vào vòng xoáy của nó. Nhẹ thì phải trả một khoản tiền "trời ơi", nặng thì “tán gia bại sản”...
Sau một thời gian bị cơ quan chức năng "đánh" mạnh, các đối tượng cho vay nặng lãi có sự điều chỉnh quy luật hoạt động. Hàng loạt cửa hiệu cầm đồ, công ty cho vay tài chính trá hình lặng lẽ biến mất, các đường dây tín dụng đen rút vào hoạt động ngầm, kín đáo, tinh vi hơn.
Phương thức "dụ dỗ" khách hàng cũng kịp thay đổi. Thay vì nghênh ngang dán tờ rơi trên cây, bờ tường, cột điện, tủ điện... dọc các tuyến đường, ngõ hẻm, hay treo áp phích nơi công cộng, chúng cho người đi từng con hẻm, nhét tờ rơi vào nhà, nhét tận tay người nào chúng gặp.
|
Riêng thủ đoạn đòi nợ thì vẫn như cũ, hay đúng hơn là ghê gớm hơn, bất lương hơn, với nhiều thủ đoạn đòi nợ mang tính chất “xã hội đen” cũng như nhiều chiêu trò ép con nợ phải trả mức lãi cắt cổ cùng những khoản phí "trời ơi đất hỡi".
Đối tượng bọn chúng nhắm tới thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu; những người ít giao tiếp, ngại tiếp xúc với ngân hàng; hoặc các em học sinh, sinh viên dễ bị lợi dụng.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, theo cậu em, với tín dụng đen, vay thì dễ, nhưng trả lại "hơi bị khó".
"Em từng tiếp xúc với một số đối tượng hoạt động tín dụng đen nên em biết, khi cho vay thì dễ dàng lắm, không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm chứng minh thư nhân dân, giấy tờ xe máy, bằng lái xe, thẻ sinh viên...; "giải ngân" trong vòng "vài nốt nhạc", nhưng chuyện trả nợ lại không dễ chút nào. Anh muốn trả trước hạn ư? Tuyệt đối không được. Đến hạn, anh có tiền, muốn trả dứt điểm, chúng sẽ tìm mọi cách kéo dài thêm thời gian, để phải trả thêm lãi, ví dụ như báo bận việc chưa gặp được, phải đi làm ăn xa mấy hôm nữa mới về..." - cậu em tiết lộ.
Bao giờ đi kèm với tín dụng đen cũng là một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp. Vì lợi nhuận, bọn chúng sẵn sàng thực hiện các hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen, nhiều trường hợp vay tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ phải mất nhà, mất tài sản; đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt...
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất rất cao so với quy định, hay còn gọi là cho vay nặng lãi. Còn theo cơ quan công an, tín dụng đen có hai biểu hiện chính là lãi suất “cắt cổ”, gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật... HL
HL
Kỳ II: Vì sao khó dẹp tín dụng đen?