Bản án thích đáng cho hành vi trộm cắp tài sản
Với sự tiếp tay của Phan Tiến Dũng - cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, Lê Quốc Khánh (thôn 3, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) cùng đồng bọn là Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình (thường trú tại xã Đăk Mar) và Nguyễn Văn Bảy (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) đã lén lút vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa trộm gỗ trắc. Hành vi của các bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh kết án trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999. Vụ án khép lại nhận được sự đồng tình trong dư luận. Đây là bản án thích đáng, đúng người, đúng tội cho các bị cáo và cũng là bài học răn đe cho những ai đã và đang có ý định xâm phạm tài nguyên rừng, tài sản của Nhà nước.
Theo bản cáo trạng, sau khi được Phan Tiến Dũng là cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy thông tin cho biết tại khu vực lán số 3 rừng đặc dụng Đăk Uy có cây gỗ trắc, Lê Quốc Khánh đã rủ Bảy, sau đó Bảy rủ thêm Bình, Thụ vào rừng đặc dụng cưa gỗ.
Khoảng 4h20 ngày 12/4/2016, lợi dụng lúc nhân viên kiểm lâm bảo vệ lán số 3 đi tập thể dục, các bị cáo phân công nhau mang theo công cụ, phương tiện lén lút vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa trộm 1 cây gỗ trắc, sau đó lấy 1 khúc gỗ trắc trị giá 19.680.000 đồng đưa đi cất giấu.
Tại phiên tòa, các luật sư phân tích và đề nghị Kiểm sát viên đối đáp, tranh luận về khách thể của vụ án. Các luật sư cho rằng rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, cây rừng, trong đó có cây gỗ trắc mà các bị cáo đã cưa trộm là cây rừng tự nhiên, không có tác động của con người. Từ đó khẳng định khách thể bị xâm hại là các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, khúc gỗ trắc các bị cáo cưa trộm với khối lượng 0,123m3 chưa đủ định lượng xử lý hình sự; hành vi của các bị cáo chỉ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 12 Nghị định 157-NĐ/CP, ngày 11-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát, bà Võ Thị Ngọc Lam – Kiểm sát viên đối đáp, tranh luận làm rõ rừng đặc dụng Đăk Uy là loại rừng được Nhà nước bỏ vốn đầu tư, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm, không cho phép khai thác dưới bất kỳ hình thức nào; mọi hành vi xâm hại đến rừng là xâm hại đến tài sản của Nhà nước mà người trực tiếp được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ là Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy. Đây là khu rừng duy nhất ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung có quần thể gõ trắc quý hiếm, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen gỗ trắc quý hiếm này. Với tính chất đặc biệt của khu rừng đặc dụng Đăk Uy, Kiểm sát viên khẳng định khách thể của vụ án là quan hệ sở hữu, khúc gỗ trắc có giá trị 19.680.000 đồng là tài sản của Nhà nước. Hành vi lén lút vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa trộm gỗ trắc của các bị cáo là hành vi trộm cắp tài sản. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 356- Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thầm số 38/2017/HS-ST, ngày 27/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà về phần tội danh đối với các bị cáo. Tuyên bố 5 bị cáo phạm tội “trộm cắp tài sản”.
|
Hội đồng xét xử phúc thẩm - Tòa án nhân dân tỉnh căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c, e khoản 1 Điều 357- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: sửa bản án sơ thẩm về phần quyết định hình phạt đối với 5 bị cáo. Xử phạt bị cáo Khánh 12 tháng tù; bị cáo Dũng 10 tháng tù; bị cáo Bảy 8 tháng tù treo; bị cáo Thụ và bị cáo Bình 6 tháng tù treo.
Nhiều người dân đồng tình với tuyên án của Tòa án nhân dân tỉnh. Theo dõi thông tin qua báo chí, chị Võ Thị Minh Vy (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) bày tỏ rất đồng tình với quyết định của tòa. “Hiện nay tình trạng chặt, phá rừng diễn ra ở nhiều nơi, lâm tặc luôn lợi dụng sơ hở của công tác bảo vệ, đột nhập vào rừng cưa trộm gỗ, việc xử lý hình sự đối với các bị cáo là cần thiết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu xử lý hành chính, các bị cáo nói riêng và lâm tặc nói chung sẽ dễ bị “nhờn luật”, sẽ tiếp tục có các hành vi phá hoại tài nguyên rừng” – chị Vy bày tỏ.
Còn bạn đọc Phan Minh Hải (thành phố Kon Tum) cho rằng, việc tuyên án như trên là hợp lý. Hải chia sẻ, nếu vụ án này không được xử lý nghiêm, không răn đe thì sẽ còn nhiều vụ án tiếp theo. Bởi lẽ, hôm nay chặt được một cây, ngày mai lâm tặc sẽ có cách chặt thêm vài cây, ngang nhiên lấy gỗ, phá rừng. Xử lý nghiêm mới răn đe được.
Theo dõi phiên tòa, ông Nguyễn Minh Thuận (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho rằng các bị cáo bị bắt thì kêu oan, còn không bị bắt liệu số gỗ khai thác có dừng. Không chỉ riêng vụ án này, cần xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến hành vi phá rừng.
Hiện nay, tình trạng chặt, phá rừng diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều mức độ khác nhau làm cho rừng ngày càng nghèo kiệt, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Việc xử lý bằng hình sự đối với các bị cáo là cần thiết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Vụ án là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định phá rừng. Và cũng là bài học thích đáng cho cán bộ kiểm lâm không làm tròn nhiệm vụ, chức trách của mình.
Bình An