Ẩn họa từ các cơ sở thu mua phế liệu
Thành phố Kon Tum hiện có hàng chục cơ sở thu mua phế liệu nằm xen trong khu dân cư. Các cơ sở thu mua phế liệu đã tạo việc làm cho nhiều người, nhưng những kho phế liệu này cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, hầu hết các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn thành phố Kon Tum đều tự phát. Và, phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu đều thu mua sắt, thép, ve chai, ni-lông, đồ nhựa, giấy báo… từ nhiều nguồn khác nhau. Đây chính là lý do tiềm ẩn nhiều rủi ro; bởi không loại trừ trường hợp người dân do thiếu hiểu biết khi xử lý các sản phẩm phế thải, gây ra những trường hợp tai nạn đáng tiếc.
Bà Nguyễn Thị Thanh ở phường Lê Lợi với chiếc xe đạp cũ kỹ chuyên đi thu mua đồng chì, nhôm nát, phế liệu cho biết: Ngày nào tôi cũng vào tận ngõ ngách từng nhà người dân, rao mua phế liệu. Họ có gì bán tôi cũng mua hết rồi mang về nhà, chọn lựa để bán lại cho các cơ sở thu mua phế liệu ở thành phố Kon Tum. Nghề này khổ lắm, ngày chỉ kiếm từ vài chục đến trăm ngàn...
|
Tiếp tục khảo sát các địa điểm khác trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ sở thu mua phế liệu và liên quan đến vật liệu dễ cháy, dễ nổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vỉa hè là khu vực luôn bị các “chủ vựa” chiếm dụng làm nơi phân loại phế liệu, trong đó có cả rác thải công nghiệp. Do các điểm thu mua là nơi tập kết tạm, quy mô nhỏ hẹp nên bao tải phế liệu thường bị vứt bừa bãi, tràn ra vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường. Hầu như tất cả các vựa phế liệu đều vi phạm về trật tự đô thị.
Chị Nguyễn Thị Thu Bích (ở tổ 10, phường Quyết Thắng) ngán ngẩm than: Xe ô tô của tôi trên dưới 6 lần dẫm phải dăm sắt, đinh sắt trên đường Đoàn Thị Điểm. Tôi không hiểu sao trên đoạn đường này lại tập trung nhiều cơ sở mua sắt phế liệu như vậy mà không thấy cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư.
Còn chị Nguyễn Thị Hiền và những hộ dân sống gần các điểm thu mua phế liệu ở tổ 4, phường Quang Trung thì than phiền: Quả thật chúng tôi khổ sở khi phải “sống chung” với những điểm kinh doanh này, vì hôi hám và bụi bặm từ các cơ sở gây ra; nhất là khi mưa các phế liệu bị ướt bốc mùi hôi khó chịu, nếu gặp phế liệu có hóa chất thì nặng mùi hơn…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu đều nằm rải rác trong các khu dân cư đông đúc và hoạt động ở dạng “chui”.
Trước câu hỏi có thấy ai kiểm tra cơ sở phế liệu hay không thì hầu hết các hộ dân xung quanh đều lắc đầu. Người mua bán, không treo biển và cũng không thấy ai kiểm tra.
Hỏi thăm các chủ cơ sở, họ chỉ nói: “Phế liệu mà, có gì mua nấy”. Họ không biết mức độ nguy hiểm, ẩn họa từ các vật liệu phế thải, rác thải là những vật liệu dễ gây cháy nổ; nếu lẫn các loại sắt vụn thông thường với các vật liệu nổ, bom mìn thì càng nguy hiểm hơn khi các cơ sở này tồn tại ngay trong các khu dân cư đông đúc.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo thành phố Kon Tum cho biết, thành phố đang đẩy mạnh công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thường xuyên kiểm tra vận động các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, mua bán phế liệu tại 6 phường nội thành di dời vào các khu sản xuất tập trung, xa khu dân cư. Hiện nay, trên địa bàn còn tồn tại 35 cơ sở chưa di dời. Thành phố đang tiếp tục vận động yêu cầu di dời.
Hoạt động thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, mang lại nguồn thu nhập cho người dân; nếu như các chủ cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các yêu cầu đặc thù của loại hình kinh doanh này (như vị trí đặt cơ sở, các điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường…).
Tuy nhiên, hiện nay nhiều điểm thu mua phế liệu mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, phòng chống cháy nổ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe các hộ dân xung quanh, cũng như làm mất mỹ quan thành phố, khu dân cư...
Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các cấp và ngành chức năng cần xử lý cương quyết các cơ sở kinh doanh vi phạm nhằm đảm bảo môi trường sống, sức khỏe người dân và cảnh quan đô thị.
Dương Lê