“Ðòn bẩy” giúp HTX phát triển
Xúc tiến thương mại được xem là “đòn bẩy“ giúp hợp tác xã (HTX) mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm các đối tác liên doanh, liên kết. Từ đó, tạo động lực và điều kiện để HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, thu nhập cho các thành viên và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
|
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 261 HTX với 10.422 thành viên. Tổng nguồn vốn của HTX trên tất cả các lĩnh vực là 290 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của các HTX khoảng 1,305 triệu đồng/năm; lợi nhuận khoảng 290 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/năm.
Những năm qua, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, ngày càng có hiệu quả, qua đó tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Quy mô, chất lượng sản phẩm của các HTX từng bước được nâng lên, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị, gắn phát triển HTX với khai thác, phát huy các sản phẩm thế mạnh, chủ lực như cà phê, dược liệu, rau hoa xứ lạnh.
Để giúp các HTX giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với các ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
|
Trước hết, Sở Công thương tiến hành tổ chức và hướng dẫn các HTX tham gia các hội chợ triển lãm, phiên chợ nông nghiệp sạch, trưng bày sản phẩm trong tỉnh và ngoài tỉnh. Thông qua các hội chợ, nhiều sản phẩm thế mạnh của tỉnh như các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh, sâm dây, chè dây, khổ qua rừng, nấm lim xanh, cà phê, trái cây sấy, trái cây tươi, nước yến được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Nhờ tính đặc thù, sự khác biệt về sản phẩm cùng với nhiều mặt hàng được thiết kế bao bì mẫu mã đẹp đã thu hút nhiều người tiêu dùng tham quan, mua sắm. Ngày càng nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm của tỉnh Kon Tum nói chung và của các HTX nói riêng.
Một trong những hoạt động xúc tiến thương mại luôn được ngành Công thương chú trọng thực hiện là tổ chức và hỗ trợ tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung- cầu sản phẩm giữa các HTX của tỉnh với các HTX của các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, chú trọng đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh vào bán tại một số cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của các tỉnh. Thông qua đó, các HTX không chỉ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm với các nhà phân phối mà còn ký kết được nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán hàng trong khắp cả nước.
Bên cạnh đó, để giúp các các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp cận và khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử, thời gian qua, Sở Công thương hỗ trợ 100% các HTX tham gia miễn phí vào hệ thống sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum; trợ giúp 8 HTX xây dựng bộ giải pháp bán hàng trực tuyến và hướng dẫn nhiều HTX triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; hỗ trợ các HTX và các doanh nghiệp tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee; xây dựng các website quảng cáo, bán hàng của đơn vị.
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, trong giai đoạn 2021-2022, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tỉnh đã hỗ trợ 8 HTX mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến để mở rộng sản xuất; hỗ trợ 12 đơn vị thiết kế logo, bao bì và nhãn hiệu để hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung- cầu sản phẩm đã góp phần giải quyết “bài toán” đầu ra cho sản phẩm; qua đó, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các HTX.
Dẫu vậy, việc triển khai xúc tiến thương mại vẫn còn những khó khăn, trở ngại, do quy mô sản xuất của đa số các HTX còn nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chưa đa dạng; việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi còn hạn chế; một số HTX chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này nên chưa mặn mà tham gia.
Để tiếp tục hỗ trợ HTX trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ sinh thái HTX đối với các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, gắn tổ chức sản xuất với chuẩn hóa quy trình sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm. Trong đó, các HTX là chủ thể thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, đồng hành và giám sát thực hiện. Đồng thời, ngành Công thương tập trung hỗ trợ kết nối cung- cầu theo chuỗi giá trị nông sản giữa các đơn vị sản xuất với các nhà tiêu thụ, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, tham gia các hội chợ triển lãm, diễn đàn quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các HTX và các nhà sản xuất trong tỉnh.
Có thể nói, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thực sự là việc làm thiết thực, là “đòn bẩy” kinh tế, tạo động lực quan trọng để các HTX không ngừng đổi mới, phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.
Thiên Hương