Vì thương hiệu Sâm Ngọc Linh
Trong những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc cơ quan Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Mỹ Hạnh- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh vì có hành vi huy động vốn trái phép để “trồng sâm Ngọc Linh”.
Theo cơ quan điều tra, bị can Hạnh nói dối “công ty có dự án đầu tư trồng sâm Ngọc Linh” tại một số địa phương, thu lợi nhuận cao, hứa trả lãi suất 24-48%/năm cho các nhà đầu tư qua hình thức góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần. Tin lời, hơn 1.000 người đã chuyển cho bị can Hạnh 1.200 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, dù từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) không có dự án nào đầu tư về sâm Ngọc Linh, song bà Hạnh vẫn quảng cáo sai sự thật để lừa nhà đầu tư.
|
Trước đó, theo UBND huyện Kon Plông, đầu tháng 7/2023, Công an quận Cầu Giấy có văn bản số 1959/CACG-CSKT ngày 30/6/2023 gửi UBND huyện Kon Plông, thông báo đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty MHG.
Qua công tác nắm tình hình, Công ty MHG thường xuyên quảng cáo, giới thiệu với nhà đầu tư, khách hàng về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh- văn bản trên cho hay.
Công an quận Cầu Giấy đề nghị UBND huyện Kon Plông cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty MHG, của HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.
UBND huyện Kon Plông cho biết, huyện không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ; không nằm trong vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh. Chính quyền tỉnh, huyện cũng chưa đặt vấn đề phát triển sâm Ngọc Linh tại đây.
Vì vậy, huyện không cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty MHG và HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.
|
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, vùng dự án của Công ty MHG thông qua HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông tại huyện Kon Plông gần như không hoạt động.
Việc doanh nghiệp làm ăn gian dối, vẽ dự án ma, trồng sâm “trên giấy” nhằm lừa gạt tiền nhà đầu tư, trục lợi từ thương hiệu Sâm Ngọc Linh bị phát hiện và xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Nhất là những người trực tiếp ngày đêm ươm tạo, gìn giữ, phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum.
Về phía địa phương, không thể phủ nhận quyết tâm xử lý nghiêm nạn kinh doanh, mua bán sâm giả của tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong thời gian qua.
Nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt trong đấu tranh với vấn nạn này, cũng như bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh đã được triển khai.
Trong đó, để bảo vệ giá trị và thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh lập chuyên án xử lý việc mua bán sâm Ngọc Linh giả. Nhiều vụ mua bán sâm giả đã được lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt.
Một số doanh nghiệp có hành vi thông tin gian dối về sở hữu vườn sâm, hay liên kết trồng sâm với dân, trồng sâm “trên giấy” đã được phanh phui để dư luận, công chúng biết sự thật.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư hơn 13 tỷ đồng mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất để phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác phục vụ cho công tác giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả.
Theo Sở KH&CN, hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở KH&CN)- đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống- đã đủ điều kiện và năng lực để vận hành thiết bị, quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, còn một “mặt trận” khác cũng rất cần sự vào cuộc quyết liệt. Đó là cuộc chiến với nạn kinh doanh, mua bán sâm giả, từ ngoài đời sống đến trên mạng xã hội.
Như bao người dân Kon Tum khác, tôi luôn lo lắng bởi giá trị và thương hiệu của sâm Ngọc Linh Kon Tum đang bị xâm hại bởi tình trạng mua bán sâm tràn lan trên mạng mà chưa được quản lý.
Chỉ cần lướt qua facebook, zalo sẽ thấy ngập tràn hình ảnh quảng cáo bán sâm Ngọc Linh đủ các loại, to có, nhỏ có. Người bán nào cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng “hàng thật, hàng rừng mới về”, có thể đáp ứng về số lượng theo yêu cầu.
Để tăng tính thuyết phục đối với những khách hàng kỹ tính, người bán còn trưng cả giấy chứng nhận “đã kiểm định”.
Cũng chính vì tin vào “lá bùa” kiểm định và những lời cam kết của người bán mà không ít người đã ăn phải “quả đắng” khi mua sâm Ngọc Linh trên mạng với số tiền không nhỏ.
Theo ý kiến của nhiều người, để bảo vệ hình ảnh, uy tín quốc bảo sâm Ngọc Linh, chỉ quyết tâm thôi thì chưa đủ, mà cần có hành động cụ thể.
Trong đó, cần quyết liệt hơn trong việc quản lý mua bán sâm giả trên mạng. Cơ quan chức năng có thể lập vi bằng hình ảnh; kiểm tra đột xuất lấy mẫu kiểm định, nếu phát hiện là giả thì xử lý nghiêm.
Tùy tính chất, mức độ để xử lý hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới hạn chế, tiến tới chấm dứt vấn nạn này.
Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Một điều nên làm là thu thập thông tin, lập danh sách cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có tham gia hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh sâm Ngọc Linh giả, thông báo đến đơn vị quản lý trực tiếp biết để xử lý theo quy định.
Và cuối cùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm huy động được sự chung tay của mỗi người dân trong cuộc chiến chống vấn nạn sâm giả.
Tất cả vì thương hiệu Sâm ngọc Linh!
Hồng Lam