Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
Ông Phạm Xuân Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Từ phương thức sản xuất truyền thống, đến nay người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân”.
|
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 8.000ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả, hoa khoảng 300ha; diện tích cà phê, tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến 7.057ha; diện tích cây ăn quả gần 600ha. Đã thành lập và đưa vào hoạt động khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Kon Plông, Đăk Hà; đang đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Kon Tum; hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nhận 2 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà.
Giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ cao tính đến năm 2022 đạt trên 583 tỷ đồng, chiếm gần 18% tổng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn, từng bước phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ trong nuôi cấy mô tế bào nhân giống đảng sâm, ngũ vị tử, chuối, dâu tây, lan kim tuyến; ứng dụng công nghệ thụ tinh ống nghiệm sản xuất giống vật nuôi để phối giống bò lai; công nghệ viễn thám trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng nông lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động trên cây rau, cà phê; công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động trồng rau, củ, quả; công nghệ tự động hóa, bán tự động trong quá trình chăn nuôi heo, dê, gia cầm quy mô công nghiệp.
|
Tuy nhiên theo ông Phạm Xuân Khanh, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn như nguồn lực đầu tư, khả năng cạnh tranh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp còn hạn chế; sự tăng trưởng chậm của thị trường trong nước và quốc tế; biến đổi khí hậu, hạn hán. Bên cạnh đó, thiếu những kỹ thuật viên, cộng tác viên, chuyên gia có trình độ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân trong thực hành, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Đoàn Trọng Đức - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, muốn đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, cần tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có tiêu chí riêng và cụ thể cho từng vùng, từng loại và giống cây trồng. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo những bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất nông nghiệp, là một trong những nguồn động lực quan trọng để thực hiện và hoàn thành tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Quốc Tuấn