Tu Mơ Rông: Tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển
Xác định kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân, thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông luôn chú trọng, quan tâm, tạo mọi điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển.
Thực hiện Chương trình số 41-CTr/TU ngày 7/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”, Huyện ủy, UBND huyện Tu Mơ Rông luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến khích, tạo điều kiện tốt để KTTT phát triển, từ đó, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò KTTT, HTX.
Cùng với đó, UBND huyện quan tâm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về HTX; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT trong các lĩnh vực. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX. Đặc biệt, huyện đã phối hợp tạo điều kiện cho các HTX trên địa bàn huyện tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, qua đó đã quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường cho sản phẩm, hàng hoá đến cộng đồng trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ…
|
Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 33 HTX với 659 thành viên đang họat động theo Luật HTX 2012. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 51 tổ hợp tác, với 233 thành viên tham gia. Đặc biệt, huyện đã có 1 HTX kiểu mới đầu tiên của tỉnh, đó là HTX dược liệu - du lịch Ngọc Linh H80. Các tổ hợp tác và HTX chủ yếu hoạt động lĩnh vực nông- lâm nghiệp. Các HTX đã tạo được công ăn việc làm cho người dân trong vùng phát triển kinh tế, thu nhập bình quân của lao động làm việc trong HTX khoảng 2,5 triệu đồng/tháng/người.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Cù Thị Hồng Nhung -Quản lý của HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành cho biết: Quá trình hình thành HTX, chúng tôi có sự song hành và giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong khi xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất đã được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền xã, từ đó, giúp chúng tôi tự tin để tiếp tục đầu tư và phát triển thêm các sản phẩm mang tính đặc hữu của địa phương và tạo việc làm cho bà con có thu nhập ổn định.
Với HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng) có 33 thành viên là phụ nữ trên địa bàn, sau khi thành lập, HTX được chính quyền cho mượn khuôn viên trường học ngay tại thôn làm trụ sở HTX, đồng thời, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho HTX phát triển.
Chị Y Pot- Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó Giám đốc HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên chia sẻ: Nhờ được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, đặc biệt là việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh nên sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam… Hiện, HTX đang phối hợp với một doanh nghiệp ở Hà Nội chế biến sâu ra các sản phẩm từ dược liệu để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, từ đó, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên, xã viên và người nông dân.
|
“Sản phẩm của HTX xuất bán đi nhiều tỉnh thành. Nguồn thu từ sâm dây của chị em xã viên tăng gấp 3 so với thời gian trước khi chưa tham gia HTX. Tôi rất mừng vì mong muốn chị em có thêm thu nhập đã thành hiện thực” - Chị Y Pot nhấn mạnh.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đến nay nhiều HTX trên địa bàn hoạt động hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương. Các HTX đã từng bước củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX. Các HTX mới thành lập nhìn chung đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người lao động, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng hơn, đáp ứng được nhu cầu thực tế của thành viên và người dân địa phương.
“Huyện luôn quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các HTX, tổ hợp tác phát triển. Đặc biệt, khuyến khích người dân liên doanh, liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX, xây dựng thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn”- ông Võ Trung Mạnh nhấn mạnh.
Hà Nam