Tín dụng chính sách góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã “bám rễ” sâu rộng trên những “vùng đất khó”, giúp các hộ dân thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Tỉnh ta có tỷ lệ đồng bào DTTS đông, phân bổ rộng khắp với 92/102 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi; trong đó DTTS chiếm gần 55% tổng số dân toàn tỉnh. Chính vì vậy, các quyết sách, chương trình tín dụng chính sách luôn đặc biệt hướng đến các đối tượng là hộ nghèo vùng DTTS, vùng sâu vùng xa. Các nguồn lực vừa hỗ trợ bà con phát triển kinh tế vừa góp phần tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy, nếp nghĩ cách làm của bà con, không ngừng củng cố niềm tin của người dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 10,86% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS là 15.215 hộ (chiếm trên 95% so với tổng số hộ nghèo). Dòng vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã phát huy vai trò, trở thành “trợ lực” quan trọng giúp những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Nếu trước đây, những địa phương vùng sâu vùng xa trong tình trạng heo hút, nghèo nàn, thì giờ đây ở những nơi này đã từng bước đổi thay tích cực; sản xuất và đời sống kinh tế- xã hội phát triển; nơi nơi đang “tràn trề nhựa sống” với những mô hình cây, con giống sinh trưởng, phát triển tốt; các tuyến đường nhựa, bê tông phẳng phiu, trải dài đến tận ngõ từng nhà dân.
|
Trong những chuyến công tác về cơ sở với những cán bộ làm công tác tín dụng chính sách, chúng tôi được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện vượt khó vươn lên của người dân nghèo. Mỗi câu chuyện là một số phận khác nhau, nhưng có điểm chung ở họ, đó đều là những người nghị lực, ý chí vươn lên bền bỉ, kiên trì. Họ- những con người không cam chịu cái nghèo, quyết tâm phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh. Và, điều quan trọng hơn, trong “cuộc chiến chống lại cái nghèo nàn, lạc hậu” họ đã không đơn độc, mà ở đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương trên mọi phương diện; trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành “người bạn đồng hành tin cậy” trên con đường thoát nghèo bền vững.
Trong một lần tác nghiệp tại vùng đặc biệt khó khăn ở thôn Mô Pảh, xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi được cán bộ địa phương đưa đi thăm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của người nghèo tại đây như nuôi trâu, bò, trồng sâm dây.
Bà Y Lực - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Mô Pảh hào hứng chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã đứng ra tín chấp cho hàng trăm lượt tổ viên vay vốn với số tiền hàng tỷ đồng. Chứng kiến nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, đổi đời tại quê hương, tôi rút ra một điều quan trọng, trong hành trình thoát nghèo đó là, người dân luôn cần đến sự sẻ chia, hỗ trợ, đồng hành của bà con lối xóm, chính quyền địa phương. Vì vậy, khi triển khai cho bà con vay vốn, tôi luôn kết hợp tuyên truyền vận động, kiểm tra, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân. Hiện tại toàn tổ của tôi chỉ còn vài hộ nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả và luôn tích cực hỗ trợ các hộ khác khi họ cần (như A Lai, Y Phít, Y Dút, A Lem, Y Lôi). Các hội viên luôn đoàn kết và giúp đỡ nhau thay đổi tích cực qua từng ngày”.
Ông Nguyễn Văn Chung- Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: “Qua nhiều năm hình thành và phát triển, dòng vốn từ tín dụng chính sách không ngừng lớn mạnh, đổi thay từng ngày, hỗ trợ tốt nhất cho các đối tượng hộ nghèo, đặc biệt là các hộ DTTS, vùng sâu vùng xa. Cùng với những chương trình tín dụng đã phát huy hiệu quả, thì nguồn lực từ những dự án mục tiêu, chiến lược qua các giai đoạn, thời kỳ đã phát huy hiệu quả tích cực. Gần đây nhất, có thể kể đến việc triển khai cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình này đã thực sự trở thành “đòn bẩy” góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng nông thôn mới”.
Theo đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai Nghị định số 28/NĐ-CP, NHCSXH tỉnh đã lên kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ, lồng ghép hiệu quả việc cho vay với nhiều chương trình, dự án khác để phát huy hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng để tiến hành giải ngân, hỗ trợ.
Đến nay, tổng doanh số cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh đạt gần 140 tỷ đồng với 3.056 hộ còn dư nợ, tập trung cho vay các chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; góp phần nâng tổng doanh số cho vay toàn chi nhánh đạt 705 tỷ đồng với 14.809 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn và tổng dư nợ đạt 4.084 tỷ đồng (tăng 323 tỷ đồng so với cuối năm 2022) với 71.195 hộ còn dư nợ.
“NHCSXH Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, địa phương tiến hành rà soát đối tượng thụ hưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tại các vùng DTTS, vùng sâu vùng xa”- ông Nguyễn Văn Chung khẳng định.
Hoàng Thanh