Phát triển rừng bền vững
Giữa “rừng” chi tiết đáng quan tâm trong báo cáo mới nhất của UBND tỉnh (số 100/BC-UBND ngày 10/4) về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay, tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết độ che phủ rừng được cải thiện.
Báo cáo nêu rõ: Năm 2017, diện tích có rừng toàn tỉnh là 602.334,02ha (rừng tự nhiên 545.807,33ha; rừng trồng 56.526,69ha), độ che phủ rừng đạt 62,3%.
Tính đến hết năm 2022, diện tích có rừng là 610.612,54ha (rừng tự nhiên 547.580,86ha; rừng trồng 63.031,68ha), độ che phủ rừng đạt 63,12%, tăng 0,82%.
Hẳn sẽ có người cho rằng, việc tăng độ che phủ chưa tới 1% thì có gì đáng nói. Nhưng nếu đặt trong thực trạng rừng bị xâm hại, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc trước áp lực dân số tăng, nạn phá rừng lấy đất sản xuất và khai thác gỗ trái phép thì sẽ thấy con số ấy rất ý nghĩa.
|
Để có được mức tăng 0,82% ấy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có trọng tâm, trọng điểm.
Qua đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thống nhất từ cấp ủy đảng đến chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể các cấp, tạo ra sức mạnh tổng hợp về lực lượng, phương tiện và vị thế pháp lý trong phát triển rừng bền vững cũng như ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Giá trị đầy đủ của rừng đã được đưa vào các quy trình và cơ chế lập quy hoạch, kế hoạch phát triển chung từng giai đoạn; được lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội và các ưu tiên liên quan.
Nhận thức và khả năng điều hành công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy và chính quyền địa phương đã có chuyển biến tích cực, tổ chức thực hiện có hiệu quả rõ rệt.
Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng và không thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, trừ các dự án được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương chuyển đổi.
Trong 5 năm 2017-2022, trên địa bàn tỉnh có 18 dự án phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng an ninh liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tổng diện tích đã chuyển đổi hơn 325ha. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động của dự án được triển khai chặt chẽ, thường xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất việc lợi dụng thi công công trình để xâm hại rừng.
|
Các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được thực hiện đồng bộ. Vì vậy, số vụ vi phạm giảm dần qua các năm, cụ thể: Năm 2018 giảm 73 vụ so với năm 2017 (12,85%); năm 2019 giảm 76 vụ so với năm 2018 (15,35 %); năm 2021 giảm 160 vụ so với năm 2020 (44,32 %); năm 2022 giảm 115 vụ so với năm 2021 (57,21 %).
Người dân được khuyến khích chuyển đổi phương thức canh tác rẫy sang trồng rừng. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh trồng mới được 11.686,56ha rừng tập trung, 2.520.252 cây lâm nghiệp phân tán.
Bên cạnh đó, thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên đạt 1.174,98ha; giao 2.714,51ha rừng cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý; bàn giao 20.155,42 ha rừng do UBND cấp xã đang tạm quản lý về cho các đơn vị chủ rừng, đồng thời thực hiện khoán bảo vệ rừng với 131.957,78ha.
Có thể khẳng định rằng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia ngày càng tăng của khu vực tư nhân, cộng đồng và người dân đã tạo nên một nền tảng vững chắc để thay đổi và tiến bộ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần được giải quyết. Trong đó nổi lên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trong 5 năm 2017-2022, toàn tỉnh phát hiện 2.130 vụ vi phạm; trong đó vi phạm về vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép chiếm 63,57% (1.354 vụ).
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo; một bộ phận viên chức, người lao động làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng còn thiếu tinh thần, trách nhiệm, chưa cương quyết trong thực hiện nhiệm vụ.
Để phát triển rừng bền vững, hoàn thành mục tiêu trước mắt là đưa độ che phủ rừng vượt 63,12% trong năm 2023, yêu cầu đầu tiên là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã; phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ rừng. Đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Trước mắt hoàn thành kế hoạch trồng 4.000ha rừng năm 2023 và 15.000ha rừng giai đoạn 2020-2025.
Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái.
Đặc biệt, cần tăng cường quản lý dân di cư tự do; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trở lại nơi cư trú cũ. Trường hợp xác định người dân thực sự không có điều kiện về nơi ở cũ thì tổ chức ổn định cuộc sống, giải quyết đất sản xuất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, không để xảy ra tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất.
Hồng Lam