Phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực
Cổ nhân dạy “phi nông bất ổn”. Là một tỉnh nông nghiệp, Kon Tum luôn xem trọng lời dạy của cổ nhân, từ đó có những chính sách thiết thực để phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực…
Ngay sau ngày giải phóng, Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, giãn dân ra vùng ven, khai hoang phục hóa, xây dựng đồng ruộng và làm thủy lợi để sản xuất, bảo đảm lương thực cho dân.
Phong trào khai hoang xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi đã xuất hiện nhiều cánh đồng lúa 2 vụ ở khắp các địa phương trong tỉnh; riêng địa bàn Kon Tum, lúa 2 vụ phát triển mạnh ở các xã Đăk Tờ Kan, Diên Bình, Đăk La, Ngọc Tụ, Đăk Choong, Đăk Kôi, Rờ Kơi… Nhờ vậy, đến cuối năm 1976, toàn tỉnh đã khai hoang, phục hóa được 23.000ha đất sản xuất, nâng tổng diện tích gieo trồng lên 101.000ha. Bước đầu tỉnh đã giải quyết nạn đói cho 20 vạn dân (trong đó có 6 vạn dân ở địa bàn Kon Tum).
|
Tuy nhiên, trong giai đoạn bao cấp, hình thức sản xuất tập trung chưa phát huy hết năng lực của quần chúng. Thấy được vấn đề này, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến người lao động. Tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã kịp thời áp dụng cơ chế khoán sản phẩm để phát huy quyền làm chủ của người dân. Sản lượng lương thực trong 3 năm (1981-1983) bình quân tăng 1 vạn tấn/năm.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), thực hiện đường lối đổi mới trên các lĩnh vực, tỉnh Gia Lai- Kon Tum đã bố trí lại cơ cấu sản xuất, thực hiện ba chương trình mục tiêu về lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu…; nhờ đó, diện tích lúa 2 vụ từ 7.000ha năm 1985 tăng lên 8.023ha năm 1990.
Sau khi thành lập lại tỉnh Kon Tum (tháng 8/1991), cùng với chính sách thu hút dân cư xây dựng vùng kinh tế mới, tổ chức định canh định cư cho dân, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư khai hoang, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu giống và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng nhiều cánh đồng, nâng cấp và xây mới nhiều công trình thủy lợi để bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất. Chỉ trong vòng 5 năm (1991-1995) sau khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, sản xuất lương thực trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu tại chỗ và đi vào thế ổn định.
Những năm sau đó, bên cạnh đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, chương trình khai hoang, mở rộng đồng ruộng tiếp tục được tỉnh xem trọng. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh đã giảm nhanh diện tích lúa rẫy, tăng nhanh diện tích lúa đông xuân. Nếu như năm 1996, diện tích lúa đông xuân là 3.383ha, thì đến năm 2004 tăng lên 5.864ha; bắp từ 3.248ha lên 8.667ha; năng suất lúa từ 35 tạ/ha lên 45 tạ/ha.
|
Từ 2005 đến nay, sản xuất lương thực tiếp tục đi vào chiều sâu, ngành Nông nghiệp đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới, đặc biệt là giống lúa chất lượng cao và bắp lai; đồng thời tiếp tục thực hiện đầu tư nâng cấp, xây mới nhiều công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương.
Mặc dù năm 2009, do ảnh hưởng của bão lũ nhiều diện tích lúa bị bồi lấp và công trình thủy lợi bị thiệt hại nặng, nhưng được sự hỗ trợ của Trung ương và việc huy động các nguồn lực, nhiều diện tích lúa và công trình thủy lợi sau đó đã được khắc phục và đưa vào sản xuất.
Tính đến năm 2014, tỉnh Kon Tum có 523 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 164 công trình thủy lợi lớn và vừa do Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý. Các công trình thủy lợi, không những đảm bảo nước tưới tiêu cho đồng ruộng mà còn cả cây công nghiệp như cà phê, mía. Diện tích cây lương thực năm 2014 đạt 30.700ha, trong đó có 23.700ha lúa và 7.000ha bắp. Năng suất lúa tiếp tục tăng so với trước, đặc biệt nhiều cánh đồng lúa trọng điểm ở xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), Đăk La, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy)… năng suất bình quân có vụ đạt từ 50-60 tạ/ha. Cá biệt, có những hộ thâm canh giỏi, năng suất lúa đạt từ 80-100 tạ/ha/vụ. Nhiều giống lúa hương thơm (HT1), HT9, Tám thơm, VND 95-20, Xuân mai, RVT, Nàng hoa 9… có cơm thơm ngon đã và đang được đưa vào sản xuất đại trà. Tổng sản lượng lương thực năm 2014 trên địa bàn tỉnh đạt trên 111 nghìn tấn, riêng thóc 85 nghìn tấn.
Sản xuất cây lương thực ở tỉnh ngày càng phát triển và đi vào chất lượng, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, ổn định và nâng cao đời sống người dân, mà còn tích lũy, dự trữ nhu cầu cho các trạng thái quốc phòng…
Đào Nguyên