Phát triển vùng nguyên liệu mía
Với lợi thế trên địa bàn tỉnh có nhà máy sản xuất đường nên người dân phần nào yên tâm với đầu ra sản phẩm cây mía. Thế nhưng việc phát triển vùng nguyên liệu mía vẫn gặp những khó khăn, năm 2024 khó hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã trồng mới niên vụ 2023-2024 là 544 ha/800ha, đạt 68% kế hoạch, nâng tổng diện tích mía trên địa bàn toàn tỉnh lên 1.521ha/2.000ha, đạt 76,05% kế hoạch. Trong đó, thành phố Kon Tum 1.114,6ha (trồng mới 428,2ha), Đăk Tô 74ha (trồng mới 34,5ha), Kon Rẫy 86,9ha (trồng mới 16,7ha), Đăk Hà 25,10ha (trồng mới 1,2ha), Sa Thầy 190,70ha (trồng mới 53,40ha) và Ia H’Drai 30ha (trồng mới 10ha).
Diện tích mía trồng mới năm 2024 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, việc phát triển và tiêu thụ mía trên địa bàn tỉnh chỉ phụ thuộc vào Công ty Cổ phần Đường Kon Tum. Năm 2024, Công ty đã có các chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây mía, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức thu hút người dân tham gia trồng mía vì những năm gần đây một số loại nông sản khác vừa được mùa vừa được giá, mang lại nguồn thu nhập cao hơn.
|
Ông Nguyễn Hữu Quảng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cho biết: Niên vụ 2023 -2024 đã kết thúc vào cuối tháng 4/2024. Niên vụ 2024-2025 bắt đầu từ tháng 11/2024 trở đi. Để hoàn thành chỉ tiêu giao 2.000ha mía, trong năm 2024 và chỉ tiêu giao trồng mới 479ha mía tại Nghị quyết số 26-NQ/TU, ngày 22/10/2024 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 3 tháng cuối năm 2024 là khó đạt được. Dự kiến chỉ tiêu 2.000ha mía sẽ hoàn thành vào tháng 4/2025 khi niên vụ trồng mới mía 2024-2025 kết thúc.
Đăk Tô là một trong những địa phương có nhiều hộ dân tham gia liên kết trồng mía với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum. Mô hình liên kết đã xây dựng trong năm 2018 (diện tích 19,1ha). Đến nay trên địa bàn huyện mới 74/155ha, đạt 47%, trong đó diện tích trồng mới niên vụ 2023-2024 đạt 34,5ha.
Ông Tưởng Văn Khanh- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết: Tham gia mô hình, người dân được Công ty Cổ phần Đường Kon Tum hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía đến từng hộ dân. Bên cạnh đó, được đầu tư không thu hồi về cày đất, hỗ trợ từ 20-25 tấn phân bả bùn/ha tại Công ty; đầu tư có thu hồi và tính lãi theo lãi suất cho vay cùng thời điểm của Ngân hàng Ngoại thương Kon Tum về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức quy trình sản xuất mía của Công ty; giá bảo hiểm mía nguyên liệu đạt chữ đường từ 10% trở lên là 800 đồng/kg trở lên.
|
Thực tế trong những năm qua cho thấy cây mía phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất bình quân đạt trên 80 tấn mía sạch/ha, lợi nhuận bình quân đạt trên 35 triệu đồng/ha. Với chính sách phát triển vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum thì các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn tham gia được mô hình.
Dù có những chính sách hỗ trợ và lợi nhuận khá ổn định nhưng một số hộ dân vẫn chưa mặn mà với cây mía nên việc phát triển vùng nguyên liệu và trồng mới cây mía năm 2024 vẫn chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài nguyên nhân giá cả các loại nông sản khác có năng suất, lợi nhuận cao hơn thì vẫn có một số người dân còn tâm lý e ngại, không mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mía. Bên cạnh đó, quá trình thu mua mía một số năm trước còn chậm, làm giảm năng suất, chữ đường dẫn đến giảm lợi nhuận của người trồng mía.
Để đảm bảo vùng nguyên liệu và thu hút người dân trồng cây mía đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong niên vụ trồng mía mới, các địa phương và Công ty Cổ phần Đường Kon Tum phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mía, tham gia mô hình liên kết để được Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật, thu mua sản phẩm. Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện công tác thu mua mía niên vụ 2024-2025 đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, dự kiến nhà máy đi vào hoạt động sản xuất từ giữa tháng 12/2024 đến cuối tháng 5/2025 với công suất ép dự kiến 2.000 – 2.200 tấn mía cây/ngày, đáp ứng thu mua hết toàn bộ sản lượng mía của bà con nông dân làm ra.
Theo ông Quảng, việc thu mua, đốn chặt được Công ty triển khai theo tiêu chí tập trung với những giống mía chín trước, chín sớm, thu hoạch gọn theo vùng, cuốn chiếu. Đối với diện tích mía trồng trên gò đồi cao, mía trồng lại, mía gốc thu hoạch trước; diện tích mía trồng ở những vùng thấp trũng, ô nà, ven sông suối thu hoạch sau. Công ty nỗ lực thu hoạch mía đúng độ chín, không làm giảm năng suất và chữ đường, đảm bảo hài hòa lợi ích cho người trồng mía.
Hà Nam