Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò, hiệu quả trong hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 về công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Những năm qua, với những “biến cố lớn” của nền kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hệ thống ngân hàng nói chung và tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã góp phần quan trọng giúp phát triển và ổn định nền kinh tế. Tại tỉnh ta, hoạt động của NHCSXH đã khẳng định là “kênh dẫn vốn” quan trọng, hiệu quả giúp cấp ủy đảng và chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.
|
Thực tiễn chứng minh, với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù đã đem lại hiệu quả cao trong triển khai các hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH. Bộ máy hoạt động của NHCSXH các cấp có sự kết hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội tại địa phương, gắn bó với người dân thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp chuyển tải nguồn vốn kịp thời, hiệu quả đến đối tượng thụ hưởng.
Hiện nay, ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp trên địa bàn tỉnh gồm có 227 thành viên; trong đó gồm 12 thành viên cấp tỉnh, 215 thành viên cấp huyện (trong đó có 102 thành viên là chủ tịch UBND cấp xã). Trong quá trình hoạt động, Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phối hợp nhịp nhàng trong công tác rà soát và giải ngân các nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng trên 560 tỷ đồng (gần 18%) so với năm 2021. Trong đó, nguồn vốn từ Trung ương ủy thác về đạt trên 3.280 tỷ đồng, vốn huy động tại địa phương trên 330 tỷ đồng, vốn nhận ủy thác của ngân sách địa phương trên 150 tỷ đồng.
NHCSXH tỉnh hiện triển khai 17 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 3.760 tỷ đồng (đạt 99,8% kế hoạch) với trên 69.000 hộ còn dư nợ. Vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ nghèo được vay vốn đã rất phấn khởi, thêm tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Một số chương trình có tăng trưởng cao như: Cho vay các chương trình thông thường (gồm cho vay hộ cận nghèo 90,8 tỷ đồng, hộ nghèo 88,3 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 55 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 40,3 tỷ đồng); các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 150 tỷ đồng; nhà ở xã hội 69,4 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP 70,6 tỷ đồng). Phân loại theo mục đích sử dụng vốn, kết cấu dư nợ các chương trình cho vay như sau: Tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm với dư nợ đạt 3.154 tỷ đồng, chiếm 83,8% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt với tổng dư nợ đạt 607 tỷ đồng, chiếm 16,2% tổng dư nợ.
|
Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp với tổng nợ quá hạn và nợ khoanh trên 12 tỷ đồng (chiếm 0,32%/tổng dư nợ). Một số đơn vị có chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn thấp như huyện Ia H’Drai 0%, Kon Rẫy 0,05% và Đăk Glei 0,08%. Chất lượng tín dụng toàn tỉnh luôn xếp loại tốt hàng năm, riêng năm 2022 có 100 xã xếp loại tốt (chiếm 98%) và 2 xã xếp loại khá (chiếm 0,2%).
Vốn vay tín dụng chính sách đã khẳng định vai trò quan trọng, là “bệ đỡ” cho người nghèo, yếu thế trong xã hội vượt lên khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kinh tế- xã hội của địa phương và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2022 còn 15.943 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,86%) và 8.857 hộ cận nghèo (chiếm 6,03%).
Ông Nguyễn Văn Chung- Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo kế hoạch, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, sẽ tập trung rà soát và thực hiện hiệu quả việc cho vay thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ”.
Hoàng Thanh