Phát huy hiệu quả của nguồn vốn khuyến công
Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương.
Chỉ tính trong 3 năm lại đây (2020-2022), tổng kinh phí khuyến công địa phương được UBND tỉnh phê duyệt là 3,18 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng đã tranh thủ được 4,2 tỷ đồng vốn của Trung ương để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, 23 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh ở nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương.
|
Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Mặc dù, mức hỗ trợ cho mỗi đơn vị không nhiều, nhưng nguồn vốn khuyến công có vai trò như là “vốn mồi” nhằm tạo động lực, khích lệ các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao được năng lực quản lý. Qua đó, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá thành phù hợp, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Điều này cũng thể hiện quan tâm của Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, mới thành lập, cổ vũ phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng, tạo động lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh việc hỗ trợ về thiết bị máy móc, từ nguồn vốn khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn còn được hỗ trợ tham gia các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, phổ biến kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Việc tổ chức thực hiện, sử dụng nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích và đạt hiệu quả cao góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, giúp tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu cho các địa phương.
|
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Mười, quá trình thực hiện công tác hỗ trợ khuyến công vẫn còn những trở ngại nhất định. Bởi, một số địa phương chưa thấy được vai trò của hoạt động khuyến công nên chưa quan tâm động viên, giúp đỡ các doanh nghiệp, cơ sở tiếp cận nguồn vốn. Vì thế, số lượng đề án đăng ký hỗ trợ hằng năm còn khá khiêm tốn. Do vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến công để các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt, chủ động tham gia, tiếp cận vốn hỗ trợ. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương khảo sát và lựa chọn các cơ có điều kiện đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm mới để đề xuất Trung ương và UBND tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các cơ sở khai thác hiệu quả thiết bị, máy móc được hỗ trợ.
Có thể nói, nguồn vốn khuyến công thực sự tạo động lực giúp các cơ sở sản xuất thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ở các địa phương, đưa công nghiệp nông thôn phát triển, nâng cao hiệu quả kinh nông nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021- 2025 đề ra, UBND tỉnh tiến hành giao 8,275 tỷ đồng để thực hiện công tác khuyến công nhằm hỗ trợ cho 53 cơ sở triển khai thí điểm áp dụng “sản xuất sạch hơn” và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thùy Hương