Nỗ lực xây dựng OCOP để nâng tầm giá trị thương hiệu
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Kon Plông đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Pyloherb mở chi nhánh thu mua, chế biến, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dược liệu tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông).
Chị Lê Thùy Kim Loan, người sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Pyloherb cho biết: Kon Plông có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng, dồi dào, nhiều dược liệu quý đối với sức khỏe con người. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, Công ty tiến hành thu mua các nguyên liệu dược liệu thô do người dân trên địa bàn huyện sản xuất, thu hái từ rừng và tiến hành chế biến thành các sản phẩm tinh chế nhằm phục vụ nhu cầu đời sống, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm đặc trưng của địa phương trên thị trường.
Dưới sự tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện của huyện Kon Plông, năm 2022, Công ty Cổ phần Pyloherb được UBND tỉnh chứng nhận 1 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 14 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
|
“Từ khi Công ty xây dựng các sản phẩm OCOP thì việc kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều. Khách hàng khi thấy sản phẩm đạt OCOP thì yên tâm về nguồn gốc, chất lượng; đơn hàng của các sản phẩm OCOP tăng lên đáng kể, đặc biệt là tại các thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Năm 2023, Công ty dự kiến sẽ đưa 16 sản phẩm tham gia dự thi OCOP để từng bước đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu của Công ty”- chị Lê Thùy Kim Loan cho biết thêm.
Tại hộ kinh doanh Hồng Phát (tổ dân phố 3, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), các mặt hàng dược liệu đặc trưng của huyện Kon Plông được trưng bày rất đa dạng và bắt mắt.
Chỉ tay về phía 4 sản phẩm mới được chứng nhận đạt OCOP hạng 3 sao trong năm 2022, chị Phan Thị Hậu- chủ hộ kinh doanh Hồng Phát- phấn khởi chia sẻ: Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, gia đình tôi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông hỗ trợ xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng, phân tích chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, logo sản phẩm, tư vấn đăng ký cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu.
Chị Phan Thị Hậu cho hay: Tôi thấy việc xây dựng sản phẩm OCOP rất cần thiết đối với việc kinh doanh của gia đình. Các đối tác liên hệ mua các sản phẩm OCOP nhiều hơn, thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố ngày càng mở rộng hơn. Hiện nay, người tiêu dùng rất thông thái, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm; đối với sản phẩm OCOP thì khách hàng rất yên tâm, tin tưởng sử dụng. Thời gian đến, gia đình tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm có xuất xứ từ dược liệu tại chỗ như sâm dây, đương quy, cốt toái bổ, dảo cổ lam, thiên niên kiện, chè dây.
|
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, đến nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Kon Plông từng bước hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng và phát triển OCOP. Các sản phẩm OCOP có nhiều quyền lợi như được tham gia các chương trình kết nối cung-cầu, các sự kiện do Sở Công thương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ tham gia giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các hội chợ, lễ hội, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh; được hỗ trợ các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các khu vực trung tâm kinh tế, du lịch của huyện, tỉnh.
Ông Phạm Thanh Bình- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Trong thời gian đến, Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm; giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận dễ dàng hơn với các đối tác, khách hàng, tạo mối liên hệ, liên kết giao thương sản phẩm OCOP với các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Tấn Lộc