Nguy cơ sạt lở trên đường Hồ Chí Minh
Trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh ta xuất hiện một số điểm sạt lở cả phía ta luy âm và ta luy dương. Tình trạng này càng đáng lo ngại về nguy cơ sạt lở, ách tắc giao thông khi Tây Nguyên đang vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa.
Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh ta có tổng chiều dài khoảng gần 200km từ huyện Đăk Glei đến thành phố Kon Tum. Vừa qua, chúng tôi có dịp đi khảo sát dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và phát hiện trên tuyến đường có một số điểm nguy cơ sạt lở, nhất là trên địa bàn huyện Đăk Glei. Điểm nặng nhất là tại Km1448+715, đoạn qua xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) có nguy cơ gây mất an toàn công trình và ATGT rất cao. Tường chắn taluy dương từ Km1448+715 đến Km1448+733 (trái tuyến) dài hàng chục mét đã bị xô lệch 2 vị trí ngã ra đường khoảng từ 20 cm và 40 cm so với vị trí ban đầu. Hệ thống bảo vệ kết cấu của taluy dương này bị hỏng rất nghiêm trọng. Nhiều vết nứt, sạt lở với khối lượng đất rất lớn với chiều dài hàng chục mét làm xô lệch các khối bê tông. Hệ thống bê tông giằng sắt bị đất đá làm xô lệch có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Phía trên đỉnh núi xuất hiện tình trạng sụt trượt cả mảng đất lớn nên các tấm bê tông ốp mái cũng bị hư hỏng nặng.
|
Ông Nguyễn Quảng- Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum (đơn vị được giao quản lý, sửa chữa, bảo trì đường Hồ Chí Minh) cho biết: Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng và trải qua nhiều mùa mưa bão, tại vị trí taluy dương từ Km1448+715 đến Km1448+733 có độ cao hàng chục mét so với mặt đường với khối lượng đất đá là rất lớn. Mặc dù mái ốp taluy dương được thi công giật cấp để đảm bảo an toàn chống sụt trượt nhưng qua nhiều năm đưa vào sử dụng, ở vị trí trên đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thời gian qua mưa lớn gây sạt lở phía ngọn taluy dương sau đó dồn xuống phía chân mái ốp đã khiến hệ thống an toàn này hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Không chỉ vị trí nặng nói trên, trên tuyến đường này, cũng xuất hiện một số điểm có nguy cơ sạt lở như tại hốc cứu nạn và trạm dừng chân đoạn qua xã Đăk Man cũng xuất hiện sạt lở. Tại khu vực hốc cứu nạn, sau nhiều trận mưa, một mảng đất lớn phía trên cao xuất hiện tình trạng sụt trượt có nguy cơ tiếp tục sạt nếu xảy ra mưa lớn kéo dài. Còn tại đoạn trạm dừng chân cũng có nguy cơ sạt lở cao bởi mảng đất phía chân dưới đã bị đào múc mất chân. Ngay dưới phía dưới ta luy dương, một số hộ dân đã làm nhà ở và trạm dừng chân. Tại điểm này, nếu có mưa lớn kéo dài thì nguy cơ sạt lở xảy ra rất cao.
Còn tại đoạn tuyến từ Km1456+693 đến Km1456+931 qua thôn Đăk Túc, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) dòng sông làm sạt lở khoảng 100m taluy âm của đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, sông còn ăn dần vào phần hộ lan đường, làm phần kè mái ốp ta luy bị sạt nghiêm trọng. Tình trạng càng nghiêm trọng khi những ngày vừa qua trên địa bàn xảy ra những trận mưa lớn, lũ kéo về tiếp tục làm xói lở bờ sông, ăn sâu vào hành lang đường bộ đường Hồ Chí Minh.
Tại đoạn này, trong mùa mưa lũ năm 2022, nước lũ của sông Pô Kô dâng cao gây sạt lở mái ta luy nền đường (sạt lở taluy âm đến sát chân tường hộ lan tôn sóng, gây hư hỏng phần gia cố mái ta luy âm, chiều dài 42m). Đến năm 2023, do ảnh hưởng của các cơn mưa đầu mùa nên mái ta luy âm qua đoạn tuyến này tiếp tục hư hỏng nặng thêm. Chiều dài sạt lở kéo dài từ Km1456+693 đến Km1456+931 (dài 238m) và có nguy cơ tiếp tục phát triển thêm trong thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên đoạn tuyến.
|
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, trước tình trạng trên, tại những điểm có nguy cơ sạt lở đơn vị quản lý đường đã tiến hành cắm biển cảnh báo để các người và phương tiện lưu thông chú ý. Ngoài ra, đơn vị quản lý đường cũng bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị để sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sạt lở.
Đối với những điểm nguy cơ cao, có thể gây ảnh hưởng đến đường như tại đoạn Km1448+715 đến Km1448+733 thì Khu đường bộ III đã báo cáo lên Cục Đường bộ Việt Nam xem xét hướng xử lý về lâu dài.
Riêng đoạn tuyến từ Km1456+693 đến Km1456+931 đường Hồ Chí Minh qua địa bàn có nguy cơ tiếp tục phát triển thêm sâu vào nền, mặt đường xe chạy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, để bảo vệ nền, mặt đường, Khu Quản lý đường bộ III đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam xem xét cho phép đầu tư sửa chữa đột xuất, cấp bách điểm sạt lở mái ta luy âm nền đường đoạn này.
Ông Trần Thái Hòa- Trưởng Văn phòng Đường bộ III.4 (Khu Quản lý đường bộ III, Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Hiện nay thời tiết vùng Tây Nguyên đã vào mùa mưa bão tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây mất ATGT rất cao nên đã báo cáo với Khu Quản lý đường bộ III xin ý kiến chỉ đạo về việc khắc phục điểm sạt lở nặng trên đường Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ tuyến đường cũng như sự an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.
Phúc Nguyên