Nâng cao giá trị của rừng
Giàu có và đa dạng, tài nguyên rừng Kon Tum có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng ta cần có những giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn đà suy giảm chất lượng rừng và nâng cao giá trị của rừng.
Theo số liệu công bố diễn biến rừng năm 2021, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm 80,75% diện tích tự nhiên, tương ứng 781.153,06ha. Trong đó, diện tích có rừng 609.468,58ha; diện tích chưa có rừng 171.684,5 ha; độ che phủ rừng đạt 63,12%.
Phân theo chức năng thì rừng và đất rừng sản xuất 505.298ha; rừng và đất rừng phòng hộ 182.608,1ha; rừng và đất rừng đặc dụng 93.246,94ha, phân bố ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, dù không đồng đều.
Kết quả điều tra để lập Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh (tháng 2/2022) cho thấy, tài nguyên rừng của Kon Tum có tính đa dạng sinh học cao, giàu tiềm năng cung cấp gỗ, lâm sản, có giá trị phòng hộ, môi trường to lớn.
|
Đơn cử, ngành chức năng đã tính toán và xác định tổng trữ lượng gỗ đạt 83,316 triệu m3 và 1,15 tỷ cây tre nứa. Trữ lượng các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng rất cao, có giá trị kinh tế như: Hồng đẳng sâm, sa nhân, nhựa thông, song mây, mã tiền, vàng đắng, ngũ gia bì, hà thủ ô, cu ly, máu chó. Đặc biệt là sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu đặc hữu, có giá trị cao cả về y dược và kinh tế.
Bên cạnh đó, rừng Kon Tum rất có giá trị trong chống xói mòn đất và điều tiết nguồn nước, bảo vệ các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, như Yaly, Sê san 3, Sê san 3A, Sê san 4, Plei Krông; bảo vệ môi trường sống cho người dân và tạo nên nhiều vùng sinh thái cảnh quan phong phú, đa dạng, có thể phục vụ phát triển du lịch.
Về giá trị đa dạng sinh học, rừng Kon Tum là “nôi” của rất nhiều loài động vật, thực vật có giá trị. Theo thống kê chưa đầy đủ, rừng Kon Tum có khoảng 1.610 loài thực vật thuộc 734 chi của 175 họ thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý. Về hệ động vật, có trên 100 loài thú, 350 loài chim và nhiều loài động vật khác, trong đó có thể kể đến một số loài quý hiếm như hổ, bò rừng, gấu, chim trĩ, gà sao.
Điều đáng mừng là trong những năm qua, nhờ các chính sách phát triển lâm nghiệp phù hợp, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng được quan tâm đúng mức mà tốc độ suy giảm chất lượng rừng đã được kiềm chế; độ che phủ rừng tăng nhẹ (đạt 63,12% vào năm 2022)
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển biến rõ rệt từ khai thác gỗ và lâm sản rừng tự nhiên là chính sang bảo vệ và phát triển vốn rừng, dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh lâm sản.
Đầu tư cho lâm nghiệp ngày càng tăng; rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt, tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, áp lực lên tài nguyên rừng trong nhiều năm qua chưa hề giảm đi, mà ngày càng tăng lên theo đà tăng trưởng của kinh tế-xã hội và đời sống người dân được nâng cao.
|
Tình trạng phá rừng trái phép để làm rẫy, trồng cây công nghiệp; cháy rừng; khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ, lâm sản, săn bắt, mua bán, động vật rừng trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, chính quyền một số địa phương, chủ rừng còn buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát; một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm để kẻ xấu lợi dụng khai thác gỗ, lâm sản và xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Mặt khác một bộ phận quần chúng nhân dân chưa nắm bắt và hiểu biết hết các quy định của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên đã xâm hại đến tài nguyên rừng.
Để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, như xây dựng các công trình giao thông, đường điện, thủy điện, thủy lợi và phát triển cây công nghiệp, một diện tích đất lâm nghiệp khá lớn được chuyển đổi mục đích sử dụng, làm giảm diện tích rừng và đất rừng của tỉnh.
Diện tích rừng bị thu hẹp dẫn đến nhiều hậu quả như giảm, hoặc mất chức năng của hệ sinh thái (điều hòa nước, chống xói mòn, làm sạch môi trường, tuần hoàn vật chất và năng lượng) và giá trị rừng; làm phát sinh thêm nhiều sự cố môi trường, gây sức ép lớn đến sự phát triển bền vững.
Thực tiễn trên cho thấy, vẫn cần có những chủ trương, cơ chế chính sách đủ mạnh để phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng.
Trước hết, cần xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội, từ đó có sự thông suốt và quyết liệt trong điều hành của chính quyền, ngành chức năng; sự trách nhiệm, tâm huyết của chủ rừng; tinh thần tham gia tích cực, chủ động của người dân.
Các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phải thay đổi theo hướng tận dụng, phát huy thế mạnh từ hệ sinh thái rừng và môi trường rừng hiện có như: Phát triển du lịch sinh thái, phát triển nông - lâm nghiệp dưới tán rừng, khai thác tận dụng lâm sản ngoài gỗ.
Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đi cùng đó là đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng; nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng.
Triển khai hiệu quả Phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh. Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng; nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.
Và đặc biệt là phải thúc đẩy chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng. Nghĩa là nâng cao thu nhập của người dân sống gần rừng, đảm bảo người dân sống được từ nghề rừng.
Hồng Lam