Lợi ích từ ứng dụng chuyển đổi số
Công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động. Đối với các hợp tác xã (HTX), trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được coi là một giải pháp tất yếu, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và tạo uy tín với khách hàng.
Tiên phong trong ứng dụng số
Trong xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0, khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số. Đây là thời cơ và cũng là thách thức mà các HTX cần nhận diện để tham gia chủ động. Thực tế, phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đã nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển nên hiện nay, đã và đang chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại để tổ chức sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen là một trong những HTX trên địa bàn tỉnh, tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Năm 2018, HTX này bắt đầu ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, ban đầu là ghi nhật ký đồng ruộng với mục đích chủ yếu là quản trị tại vườn. Nhưng sau 2 năm thực hiện, nhận thấy việc ứng dụng này chưa đáp ứng được yêu cầu, HTX đã tìm tòi, nghiên cứu nâng cấp phần mềm với mục đích là lập kế hoạch cho tương lai.
|
Bà Trần Ngọc Diệp- Giám đốc HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen cho biết: Chúng tôi cũng nhận thấy hạn chế của phần mềm, nó không giúp chúng tôi có thể lập kế hoạch cho tương lai và kiểm soát sản xuất từ xa. Vì vậy, năm 2020 chúng tôi đã đầu tư nâng cấp phiên bản phần mềm từ việc chỉ ghi chép những gì trong quá khứ sang xây dựng kế hoạch sản xuất cho tương lai. Việc chuyển đổi này đòi hỏi phải xây dựng quy trình chăm sóc cho hơn 30 loại rau và chuyển lên phần mềm.
Sau khi hoàn thiện phần mềm, chúng tôi áp dụng tại khu vườn rau của HTX tại Măng Đen thấy hiệu quả rõ rệt. Phần mềm triển khai làm rõ được quy trình từ đầu đến cuối (tức từ sản xuất đến khi lên kệ trong các siêu thị) một cách rõ ràng, cụ thể và chi tiết. Ứng dụng phần mềm này, người công nhân chỉ cần chiếc điện thoại là biết rõ phần việc từng ngày của mình, phải chăm sóc như thế nào đối với từng loại rau ở từng lứa tuổi khác nhau, cần bổ sung những gì, cần tưới nước đậm hay vừa. Mọi quy trình được đưa lên trên app cài đặt trên điện thoại, vừa phân rõ nhiệm vụ từng công nhân vừa thuận lợi cho người quản lý, dù ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể theo dõi, quản lý một cách dễ dàng.
Theo bà Diệp, lợi ích lớn từ việc ứng dụng phần mềm này là trong một khu vườn trồng có nhiều loại rau, độ tuổi khác nhau thì phải có cách chăm sóc khác nhau, chế độ tưới khác nhau ở từng luống, nếu không ứng dụng phần mềm thì khó có thể điều tiết được việc tưới tự động.
Có mặt tại khu vườn rau của HTX Rau hoa và du lịch Măng Đen, hình ảnh những người công nhân lúc nào cũng chăm chú vào chiếc điện thoại vừa đi, vừa làm khắp trong khu vườn rau khiến không ít người ngạc nhiên. Nếu không biết, không hiểu thì cứ ngỡ công nhân đang dùng diện thoại để lướt web, vào mạng xã hội giải trí. Thế nhưng với việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất thì đó là họ đang làm việc và hiệu quả công việc cũng cao hơn gấp nhiều lần so với làm thủ công. Với diện tích khoảng 10.000m2 nhà màng cùng khoảng 30 loại rau, mỗi loại rau lại ở thời gian sinh trưởng khác nhau nhưng HTX chỉ cần có 10 công nhân. Cho dù mỗi ngày có hơn 200 đầu công việc nhưng mỗi người một việc rõ ràng, không lộn xộn, giẫm chân nhau và đều hoàn thành một cách dễ dàng.
“Phần mềm này giúp chúng tôi nắm rõ thông tin nguồn gốc, quan sát và giám sát được quá trình sản xuất từ khâu gieo hạt đến thu hoạch, vận chuyển đến chuỗi cung ứng và khách hàng. Từng bó rau khách hàng mua đều phải rõ ràng và đảm bảo và người mua phải được biết điều đó”- bà Diệp chia sẻ.
Cũng theo chị Diệp, việc ghi lại toàn bộ hoạt động sản xuất trên phần mềm đã giúp HTX có thể cung cấp cho người dùng những thông tin về quá trình gieo trồng của từng bó rau mà họ mua. Nhờ đó, HTX đã có thể bán được sản phẩm của mình với giá cao hơn 20% các sản phẩm khác. Bởi các sản phẩm rau của HTX luôn có đầy đủ và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc gieo trồng, tạo sự an tâm cho người dùng và các hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM. Sản lượng của HTX đã tăng 4 lần, doanh thu gấp 10 lần so với trước.
Tạo niềm tin với khách hàng
Tương tự, HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Cô cũng là một trong số những HTX trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý, nhờ đó, các sản phẩm của HTX đã tạo được lòng tin với khách hàng.
Theo bà Phạm Thị Huyền Anh- Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, hiện nay HTX có hơn 100 thành viên với diện tích cà phê là 175ha tại huyện Đăk Hà. Với diện tích khá rộng này nếu không ứng dụng công nghệ, ứng dụng số thì việc quản lý rất khó khăn. Do đó, để thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi nắm được quy trình sản xuất, đơn vị đã tiến hành sử dụng phần mềm “Google EARTH” để định vị rõ từng lô rõ ràng. Phần mềm này tiến hành vẽ sơ đồ tiếp giáp với các lô rẫy, khu trồng của người dân, tự động đánh giá những nguy cơ rủi ro đối với cây của HTX với vườn cây của người dân xung quanh, đồng thời, thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
|
Đối với các thành viên là nông dân canh tác cà phê thì hàng ngày ghi chép nhật ký bằng tay, sau đó được cán bộ HTX lấy chép vào quá trình chăm sóc, canh tác vào dữ liệu Exel trên máy tính để quản lý. “Việc sử dụng phần mềm này giúp đơn vị đánh giá được sản lượng của từng lô, từng thành viên đăng ký và theo dõi, quản lý được quá trình sản xuất có đúng quy trình và đảm bảo các quy định của sản phẩm hay không. Đây là điều rất thuận lợi và tạo tính minh bạch, giúp khách hàng có thể biết rõ được nguồn gốc và quá trình sản xuất của sản phẩm”- bà Huyền Anh cho biết.
Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ được HTX Nông nghiệp Công Bằng Pô Cô trong quản lý, sản xuất mà còn được ứng dụng vào chế biến và chế biến sâu tạo ra các sản phẩm. Trong chế biến, đơn vị sử dụng con chíp thông minh trong máy chế biến, khi cho hạt vào, máy sẽ lọc ra từng loại xanh- đỏ, đảm bảo đúng chất lượng theo quy chuẩn. Còn trong chế biến sâu, HTX dùng máy rang có khả năng ghi nhớ khẩu vị khách hàng. Khi những khách hàng này (đã dùng sản phẩm một lần trước đó) đặt hàng mua sản phẩm, thì máy làm ra sản phẩm theo đúng khẩu vị của khách hàng đó. Vì vậy, HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Cô luôn giữ được uy tín, tạo được niềm tin với khách hàng. Hiện nay, sản phẩm của HTX được xuất khẩu sang các nước như Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đức, Bỉ…
“Nhờ việc ứng dụng số đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều trong công tác quản lý, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đặc biệt là tăng uy tín với khách hàng. Ứng dụng số cũng giúp việc lưu trữ hồ sơ thuận tiện, an toàn, giảm bớt giấy tờ, thời gian, nhân lực. Ngoài ra, ứng dụng số còn tạo tính minh bạch, niềm tin cho khách hàng và khách hàng có thể biết được quy trình từ sản xuất đến chế biến…”- bà Huyền Anh cho hay.
Ứng dụng chuyển đổi số ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, không chỉ giải quyết bài toán quản trị doanh nghiệp, lấy niềm tin từ người tiêu dùng, mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu công sức lao động, tăng cường năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đó là lợi ích từ việc ứng dụng số trong sản xuất - đó cũng là khẳng định của bà Diệp và bà Huyền Anh trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, quản lý./.
PHÚC NGUYÊN