Làm tốt hơn công tác quy hoạch khoáng sản
Quy hoạch về khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của tỉnh.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 26/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014; sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 74/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 và Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND ngày 14/12/2021.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt, chỉ đạo việc công bố, công khai nội dung quy hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy hoạch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản, làm cơ sở để tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản; lập và thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
|
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhìn chung, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đặc biệt là quy hoạch khoáng sản
Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản; chỉ đạo rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 199 điểm quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó có 89 điểm cát làm vật liệu xây dựng, 60 điểm đá xây dựng, 32 điểm đất san lấp và 18 điểm đất sét.
UBND tỉnh đã cấp 79 giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân tại 51 điểm quy hoạch. Như vậy hiện còn 148 điểm quy hoạch chưa được đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản.
Hện nay, UBND các huyện, thành phố đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản trong thời gian đến. Dự kiến bổ sung quy hoạch 15 điểm, gồm 11 điểm đất san lấp, 3 điểm cát làm vật liệu xây dựng và 1 điểm sét làm gạch ngói.
Tuy nhiên, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, quá trình lập, triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần tháo gỡ, giải quyết.
|
Trong đó, nổi lên là tỷ lệ điểm quy hoạch khoáng sản được cấp phép khai thác còn thấp (51/199 điểm, chiếm 25,6%), nhất là số điểm đất san lấp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay (có 2/32 điểm đất san lấp được cấp phép, chiếm 6,25% so với quy hoạch).
Vị trí quy hoạch một số điểm khoáng sản, bến bãi tập kết chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Việc tổ chức triển khai thực hiện công tác đấu giá, cấp phép quyền khai thác khoáng sản các điểm quy hoạch khoáng sản còn chậm. Một số điểm quy hoạch, không còn phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn chưa kịp thời rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch.
Khâu cấp phép đối với các điểm quy hoạch đã đấu giá thành công còn chậm, thời gian điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, cấp giấy phép gia hạn kéo dài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cũng như khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất san lấp) phục vụ các dự án lớn.
Trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương liên quan đến việc lập quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế. Nhất là quá trình lập quy hoạch, một số địa phương chưa nhất quán trong việc đề xuất, lựa chọn các vị trí điểm mỏ đưa vào quy hoạch.
Quy hoạch về khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đồng thời có tác động tới tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Vì vậy, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cần kịp thời khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc hiện có.
Theo đó, các sở ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong tham mưu, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là lập quy hoạch khoáng sản và thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung, đưa ra khỏi quy hoạch các điểm mỏ theo đúng quy định và phù hợp thực tế của địa phương. Thực hiện đóng cửa các điểm mỏ hết trữ lượng khai thác, không đảm bảo thủ tục pháp lý theo quy định; đồng thời.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện dự án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản nhất là đối với nhất là chính quyền cơ sở, doanh nghiệp và người dân trong vùng quy hoạch khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
UBND các huyện, thành phố kịp thời tổ chức công bố, công khai quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, cụ thể loại khoáng sản, vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích phê duyệt điều chỉnh phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, giao trách nhiệm cho các địa phương quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Hồng Lam