Kon Rẫy tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo
Trong năm 2022, UBND huyện Kon Rẫy tập trung các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, đến cuối năm 2022, huyện Kon Rẫy còn 1.257 hộ nghèo (chiếm 16,88% tổng số hộ), 915 hộ cận nghèo (chiếm 12,29% tổng số hộ).
Ông Võ Duy Ngọc- Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy cho biết: Năm 2022 là năm đầu triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chương trình, dự án giảm nghèo được địa phương triển khai đảm bảo, mang lại kết quả bước đầu; nhiều chương trình, dự án của các chương trình MTQG khác được lồng ghép kịp thời đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác giảm nghèo trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
|
Để kịp thời cụ thể hóa và ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác giảm nghèo, huyện Kon Rẫy tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện giai đoạn 2021- 2025, thành lập tổ giúp việc, phân công thành viên ban chỉ đạo phụ trách về công tác giảm nghèo tại các xã, thị trấn để bám sát địa bàn, kịp thời hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện các chương trình.
Bên cạnh đó, UBND huyện Kon Rẫy chỉ đạo đẩy nhanh việc phân bổ nguồn lực để thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp về tín dụng chính sách, hỗ trợ bảo hiểm y tế, dạy nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, nhằm tạo “đòn bẩy” để đẩy nhanh công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Trong năm 2022, huyện Kon Rẫy được phân bổ gần 3,36 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình giảm nghèo. Trong đó, đối với các mô hình đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ giảm nghèo, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện được phân bổ gần 1,6 tỷ đồng để triển khai thực hiện có hiệu quả. Thực hiện dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện được phân bổ trên 1,3 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho việc dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp tại địa phương. Từ năm 2022 đến nay đã mở 11 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới 375 học viên là hộ nghèo; trong đó nghề nông nghiệp 8 lớp với 275 học viên, nghề phi nông nghiệp 3 lớp với 100 học viên.
Ngoài ra, trong năm 2022, huyện Kon Rẫy cũng được phân bổ gần 6,7 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để cho vay hiệu quả đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Với việc huyện Kon Rẫy tập trung chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương của huyện quyết liệt triển khai những giải pháp hiệu quả, đồng bộ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 24,86% năm 2021 xuống còn 16,88% vào cuối năm 2022 (giảm 7,98%; đạt 121% so với kế hoạch). Trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 36,28% năm 2021 xuống còn 25% vào năm 2022 (tỷ lệ giảm đạt 11,28%, đạt 170,9% so với kế hoạch).
Tuy nhiên, theo ông Võ Duy Ngọc, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Kon Rẫy trong năm 2022 vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số quy định, hướng dẫn về định mức, chính sách hỗ trợ chậm được ban hành dẫn đến đơn vị, địa phương gặp khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện; một bộ phận hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh, chưa ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.
Trong năm 2023, để tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, đa chiều, hạn chế tái nghèo, giảm nghèo gắn với phát triển bền vững kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng trên địa bàn, huyện Kon Rẫy đề nghị các cấp, ngành sớm ban hành khung nội dung và tài liệu tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin- truyền thông về giảm nghèo đa chiều, cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; các quy định về cơ chế quay vòng và tỷ lệ thu hồi vốn; kinh phí và mức hỗ trợ tối đa của các chương trình, dự án.
Bên cạnh đó, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo. Tăng cường tuyên truyền về các chương trình, chính sách, mô hình giảm nghèo hiệu quả đến cộng đồng dân cư. Nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc để giải quyết hiệu quả.
Hoàng Thanh