Kon Rẫy: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS
Với những cơ chế, chính sách hợp lý, huyện Kon Rẫy đang tích cực lồng ghép, triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Kon Rẫy hiện có 7 xã, thị trấn và 49 thôn, làng; trong đó có 4 xã thuộc khu vực III, 3 xã thuộc khu vực I và 8 thôn đặc biệt khó khăn. Huyện có trên 4.800 hộ dân là đồng bào DTTS, chiếm gần 64% tổng số hộ.
Ông Đào Đức Tiến - Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Rẫy cho biết: Trong thực hiện và ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển vùng DTTS, huyện Kon Rẫy thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những địa bàn, nhóm đối tượng có những khó khăn đặc thù. Đồng thời, tăng cường cơ chế kiểm soát, quản lý có hiệu quả các chương trình, dự án; thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá; giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách phù hợp cho các đơn vị, địa phương. Qua đó, hàng năm huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi là 6,6%.
|
Để thực hiện được chỉ tiêu đề ra, huyện Kon Rẫy quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn thường xuyên rà soát, nắm bắt những khó khăn, bất cập trong đời sống của bà con vùng DTTS; từ đó, kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu. Những vấn đề khó khăn, tồn tại trong thực tế như tình hình thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; mưa bão, lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn; các vấn đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết; học sinh bỏ học... để được các cấp chính quyền và các ngành chức năng nắm bắt và đề ra biện pháp tháo gỡ kịp thời, hữu hiệu, nhằm hỗ trợ người dân trong sản xuất và trong đời sống.
Đặc biệt, huyện Kon Rẫy quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” với nhận thức đây là “đòn bẩy” quan trọng để giúp cho người dân thoát nghèo. Nhờ đó, các chính sách, nguồn lực đầu tư vào vùng DTTS của huyện phát huy hiệu quả cao nhất. Tinh thần “tháo gỡ tư duy sản xuất và phát huy tinh thần tự lực tự cường” mà Cuộc vân động đề ra, được áp dụng vào thực tiễn hữu hiệu đã giúp nhiều hộ nghèo DTTS trên địa bàn vươn lên thoát nghèo bền vững, thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, đổi mới cách làm ăn, biết chi tiêu hợp lý...
Riêng năm 2022, huyện Kon Rẫy phân bổ trên 36,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án, tiểu dự án và một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn. Theo đó, huyện đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 62 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 77 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung cho 2 công trình; giải ngân gần 3,5 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị định số 28/NĐ-CP cho 52 hộ; mở 2 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai thực hiện các chương trình với trên 200 người; tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 5 xã, thị trấn với hơn 300 người tham gia; tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền vận động tại 7 xã, thị trấn với khoảng 420 người tham gia.
Nhờ làm tốt công tác đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, đã góp phần đưa kinh tế- xã hội huyện Kon Rẫy tiếp tục phát triển; nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội quan trọng đạt và vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số nơi trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy vẫn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để, như tình trạng tảo hôn, học sinh bỏ học ở cấp THPT... Nguyên nhân do một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con, em; phần lớn người dân sống ở nhà đầm nên công tác phổ biến, tuyên truyền về tảo hôn chưa mang lại hiệu quả cao. Trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều chính sách, dự án mới nhưng việc ban hành các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương có lúc chưa kịp thời, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tại địa phương.
Ông Đào Đức Tiến cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, đầu tư phát triển vùng DTTS trên địa bàn, huyện Kon Rẫy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con hiểu và làm theo các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép các nguồn lực để phát huy hiệu quả; tăng cường sự tham gia của người dân trong việc xây dựng, triển khai thực hiện và giám sát các kế hoạch, chính sách, dự án; bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về thực hiện các tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Hoàng Thanh