Không để “nước đến chân mới nhảy”
Dù toàn tỉnh mới ghi nhận một ổ dịch tả lợn Châu Phi, nhưng các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ bây giờ, không để “nước đến chân mới nhảy”.
Sau một thời gian tạm lắng, dịch tả lợn Châu Phi tái xuất hiện trên địa bàn tỉnh, với ổ dịch đầu tiên được ghi nhận ngày 25/11 (thời điểm có kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng IV) tại một hộ gia đình ở thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum.
Ngày 27/11, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ đàn lợn của hộ gia đình này theo đúng quy định. Đồng thời hướng dẫn chủ nuôi vệ sinh chuồng trại; triển khai các biện pháp nhằm khoanh vùng ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
|
Đáng lo ngại là, qua kiểm tra cho thấy, hộ gia đình trên nuôi theo hình thức trang trại bán công nghiệp, quy trình khép kín, tự cung cấp lợn giống, không nhập từ ngoài thị trường. Như vậy, nguồn gốc dịch bệnh ở ngay trong trang trại.
Thực tế trên dấy lên lo lắng về những khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh.
Lo lắng ấy là có hoàn toàn cơ sở. Hiện nay, chăn nuôi lợn ở tỉnh ta chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, đan xen trong khu dân cư nên rất khó kiểm soát được tổng đàn, tiềm ẩn nhiều yếu tố lây bệnh nhanh và rộng.
Bên cạnh đó, đa số địa phương chưa có khu giết mổ gia súc tập trung, hoạt động giết mổ gia súc chủ yếu là hộ gia đình, kinh doanh tại chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, đường phố, khu dân cư, không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, vận chuyển thịt lợn bằng xe máy không có bao gói, gây khó khăn cho công tác kiểm dịch.
Việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng người dân vận chuyển nhỏ lẻ qua các đường ngang ngõ tắt nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ khá phổ biến, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Đặc biệt, ý thức phòng dịch của người chăn nuôi nhỏ lẻ còn hạn chế. Tôi vẫn nhớ cảm giác vừa bất lực vừa bất bình trong chuyến công tác cuối năm 2021 tại một xã biên giới huyện Đăk Glei.
Trong khi chính quyền và ngành chức năng đang chạy đua với dịch bệnh, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thì người dân lại khá “đủng đỉnh”, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ngay cả khi đàn lợn của gia đình bên cạnh đã phải tiêu hủy vì dịch bệnh.
Thậm chí, còn có tình trạng giấu dịch, khi phát hiện lợn bị bệnh không báo với cơ quan chức năng mà bán chạy, hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường khiến mầm bệnh phát tán, lây lan nhanh.
|
Là dịch bệnh rất nguy hiểm, lây lan nhanh, chưa có vắc xin phòng bệnh, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, việc bệnh tả lợn Châu Phi tái xuất hiện được dự báo có ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi và nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Vì vậy, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu, hạn chế thấp nhất sự lây lan, giảm thiểu thiệt hại, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, không để “nước đến chân mới nhảy”.
Đây không phải là “việc riêng” của ngành Nông nghiệp hay là của cán bộ thú y, mà mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải tham gia tích cực và trách nhiệm thì mới hiệu quả.
Theo đó, các cấp, các ngành cần thực hiện theo đúng theo chức năng được phân công, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà phải có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời, từ phân công lực lượng, cung cấp phương tiện, dự trù kinh phí đến tổ chức giám sát chặt chẽ, nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời.
Tuyệt đối không được chủ quan, coi nhẹ việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; không giấu dịch.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để vì dịch bệnh mà ngành chăn nuôi “lao dốc”.
Mới đây, ngày 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Công điện số 02/CĐ-CTUBND chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập và quá cảnh qua địa bàn tỉnh.
Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
Phát hiện và xử lý nghiêm các trường vi phạm các quy định về kiểm dịch động vật. Rà soát và cấp phát vật tư, hóa chất cho các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Một vấn đề rất quan trọng đang được đặt ra cho các ngành, các địa phương là phải tính toán các giải pháp phù hợp để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất.
Theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, không thể đóng cửa, mà phải bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện sản xuất sạch, phân phối, vận chuyển tốt.
Đồng thời xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy; nghiên cứu tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Làm được như vậy, tôi tin rằng, công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được hiệu quả cao.
Thành Hưng