Khởi sắc thương mại vùng khó
Những năm qua, với nhiều chương trình, chính sách đầu tư của Trung ương, của tỉnh, thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn, trong đó có vùng sâu, vùng xa không ngừng được mở rộng, hệ thống kênh phân phối hàng hoá từng bước được hình thành. Từ đó, tạo điều kiện để người dân trao đổi hàng hoá, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo động lực để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội…
Phát huy vai trò hạ tầng thương mại
Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 19 chợ ở nông thôn. Thời gian qua, từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, ngành Công thương và các địa phương đã tích cực cải tạo, xây dựng mới các chợ nông thôn. Nhờ đó, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, mạng lưới chợ nông thôn phát triển còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng được thị phần của mình, đưa hàng hoá, nhất là hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn ngày càng nhiều hơn.
Cùng với chợ, hệ thống cửa hàng thương mại ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng đang từng bước được khôi phục và lấy lại vị thế trong việc thực hiện mục tiêu góp phần cung ứng hàng hoá, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
|
Tiêu biểu như cửa hàng thương mại xã Đăk Long, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông), xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông)... hiện đang thực hiện tốt vai trò là đầu mối thu mua hàng hoá nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân ở các địa phương này.
Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng thực sự là yếu tố quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thúc đẩy trao đổi hàng hoá ở các làng quê.
“Cú hích” từ các hoạt động xúc tiến thương mại
5 năm trở lại đây, các hoạt động xúc tiến thương mại được ngành Công thương triển khai rộng rãi và đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tăng cường hoạt động liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa công nghiệp nông thôn.
Trong đó, đáng nói nhất là hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Với việc tổ chức các chuyến bán hàng Việt bằng xe lưu động, các phiên chợ hàng Việt; các chương trình bán hàng bình ổn giá gắn với đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận, mua sắm và nhận biết được hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả phù hợp.
Đồng thời, thông qua chương trình này, các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tiếp cận thị trường nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức được 90 chuyến đưa hàng Việt bằng xe lưu động về các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa, thu hút khoảng 54.000 lượt khách hàng tham gia mua sắm; tổ chức trên 10 phiên chợ hàng Việt quy mô lớn tại các huyện vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Sở Công thương còn phối hợp tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, các chương trình kết nối giao thương nhằm quảng bá hàng hoá nông sản của các địa phương và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Thông qua đó, làm thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân và nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường nông thôn.
Các hoạt động xúc tiến thương mại qua biên giới cũng được tỉnh quan tâm. Thông qua các chương trình hỗ trợ chi phí tổ chức và phát triển hoạt động phân phối hàng Việt sang các khu vực biên giới với các nước có chung biên giới; hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa qua biên giới và thương nhân tại các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khuyến khích và tạo cơ hội cho thương mại vùng biên giới, vùng xa xôi phát triển.
Theo đánh giá của Sở Công thương, có thể nói, dù chưa được như kỳ vọng, nhưng sự phát triển về thương mại nói chung và phát triển thương mại ở các vùng nông thôn của tỉnh nói riêng thời gian qua đã thúc đẩy một số ngành sản xuất phát triển; đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo kết cấu hạ tầng mới cho vùng nông thôn; góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Xét về mặt xã hội, sự phát triển của hệ thống hạ tầng thương mại đã tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống dân cư trong khu vực, tạo diện mạo mới cho vùng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng phát triển hơn. Thương mại phát triển đã đóng góp một phần cho cơ cấu GDP của mỗi địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Bài và ảnh: Thiên Hương