Phát huy vai trò của mạng lưới cửa hàng bán lẻ ở vùng sâu
Những năm gần đây, hệ thống các cửa hàng, cơ sở bán lẻ tư nhân đã vươn xa tới tận các thôn làng vùng xa xôi nhất trên địa bàn tỉnh. Dù còn những bất cập, nhưng không thể phủ nhận rằng, chính những cơ sở bán lẻ này đã góp phần cung ứng, tiêu thụ hàng hoá cho người dân vùng nông thôn, thúc đẩy giao lưu thương mại...
Điều kiện sống của người dân nông thôn, trong đó có người dân ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng lên, do đó nhu cầu mua bán hàng hoá ở khu vực này cũng theo đó mà tăng lên.
Tuy nhiên, ở Kon Tum, nhiều nơi điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, dân cư sống phân tán, sức tiêu thụ hàng hoá không cao nên hệ thống các cửa hàng thương mại, nhà phân phối bán buôn, bán lẻ của doanh nghiệp gần như chưa vươn tới.
Hiện nay, ở các địa phương, mạng lưới các cửa hàng, cửa hiệu nhỏ của các hộ tiểu thương phát triển ngày một nhiều và là kênh phân phối, tiêu thụ hàng hoá quan trọng ở các khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù đâu đó vẫn còn những bất cập, tồn tại như: cơ sở nhỏ lẻ, hàng hoá chưa dồi dào, vẫn có những mặt hàng chưa đảm bảo chất lượng..., nhưng xét cho cùng hoạt động bán lẻ của tư thương đã đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân; đồng thời cũng góp một phần trong việc hỗ trợ tiêu thụ các sản vật nông nghiệp cho nông dân.
Chị Y Thoăn (làng Đăk Xam, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) chia sẻ: Vài năm gần đây, việc mua sắm hàng hóa tại địa phương khá thuận lợi chứ không còn khan hiếm hay phải đi xa mới mua được như trước. Người dân khi kiếm được cân nấm hay ký măng cũng được hộ kinh doanh thu mua nên cũng có thêm thu nhập chứ nếu như trước thì chỉ để ăn thôi, không hết thì bỏ.
|
Không chỉ cung cấp, mua bán hàng hoá ở những điểm cố định; những hộ kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa còn thường xuyên chở các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm… đến các nơi điều kiện giao thương khó khăn hơn để trao đổi, mua bán.
Điều này, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mua sắm, lựa chọn hàng hoá, mà còn góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hoá trên thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giúp hạn chế bớt tình trạng độc quyền, ép giá thường diễn ra ở những vùng khó khăn.
Tiêu biểu như ở Kon Plông, các hộ kinh doanh trong vùng thường mang hàng hoá tới các buổi chợ phiên để phục vu nhu cầu mua sắm của người dân.
Có mặt tại một buổi chợ phiên xã Măng Bút (huyện Kon Plông) dịp trước Tết Nguyên Đán vừa qua, chúng tôi nhận thấy hoạt động bán lẻ lưu động thực sự có ý nghĩa rất quan trọng với người dân nông thôn.
Tất cả các mặt hàng từ các loại hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày như bột ngọt, nước mắm, xà phòng, dầu ăn, bánh, kẹo, quần áo, giày dép…, đến những mặt hàng như điện tử, đồ gia dụng đều được mang đến bán và người dân rất hào hứng mua sắm.
|
Theo Chủ tịch UBND xã Măng Bút - Nguyễn Công Vĩnh, chợ phiên 3 tháng mới tổ chức một lần, tất cả hàng hoá mang đến bán đều là của các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện, họ tranh thủ cơ hội vừa bán hàng vừa quảng cáo, tiếp thị với người dân về hàng hoá, cơ sở của mình; một số hộ thì tranh thủ mua các loại nông sản người dân bán ra.
“Hiện nay, cuộc sống của người nông dân đã được cải thiện nhiều, bởi vậy nhu cầu mua sắm phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con ngày càng tăng lên; nếu không có những cửa hàng bán lẻ tại chỗ, tư thương đưa hàng đến tận nơi thì bà con phải đi lại khá xa, khá vất vả” - ông Vĩnh nói.
Chưa có một con số thống kê chính xác nào về số các cửa hàng, cửa hiệu bán lẻ tư nhân trên địa bàn tỉnh, nhưng từ thực tế có thể thấy, mạng lưới bán lẻ này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thương mại, dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa.
Bài, ảnh: Ngọc Thắng