Hợp tác xã nông nghiệp “bắt nhịp” chuyển đổi số
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những năm qua, thích ứng với xu thế chuyển đổi số, các HTX trong lĩnh vực này không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ số để tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 180 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 78% các HTX trên địa bàn tỉnh với gần 3.000 thành viên. Bình quân, doanh của các HTX nông nghiệp đạt khoảng 1,035 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào ổn định và có nhiều đổi mới. Trong thời qua, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất- chế biến- tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú trọng áp dụng công nghệ tưới tự động, phun thuốc bằng máy bay điều khiển từ xa, hệ thống chăn nuôi khép kín, xây dựng nhật ký chăm sóc điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số về thương mại điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các HTX nông nghiệp.
HTX Kiên Thảo Phát được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
|
Ông Đặng Công Kiên- Giám đốc HTX Kiên Thảo Phát chia sẻ: Hiện tại, HTX đang liên kết với nông dân sản xuất hơn 20 sản phẩm nông nghiệp sạch như chuối sấy, măng sấy, mít sấy, trà thảo mộc, tiêu, mật ong. Để tạo dựng thương hiệu và thuận tiện cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, toàn bộ quá trình canh tác các loại cây trồng của HTX đều được ghi lại bằng nhật ký điện tử vườn trồng. Người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR.
Hay như Hợp tác xã Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum (thành phố Kon Tum), cùng với việc đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thời gian gần đây, HTX còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quảng bá hình ảnh, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, đơn vị tích cực đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ đó, HTX tiếp cận được với nhiều khách hàng trong cả nước, doanh thu cao gấp 2- 3 lần so với trước đây.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh giúp các HTX nông nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận, tạo dựng niềm tin và nâng cao uy tín về chất lượng sản phẩm với khách hàng. Đồng thời, thông qua ứng dụng công nghệ số giúp các HTX nông nghiệp dễ dàng gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý; xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở, tiếp cận kho tài nguyên tri thức nông nghiệp hoàn toàn miễn phí.
|
Mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá cở Sở Khoa học và Công nghệ, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chậm đổi mới, chưa thích ứng để thật sự “bắt nhịp” với xu thế ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất của hầu hết các HTX nông nghiệp mới ở bước đầu, còn nhỏ lẻ, dừng lại ở một số khâu như tưới tiêu, chế biến; dán tem, mã QR, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Phần lớn các HTX nông nghiệp vẫn sản xuất kinh doanh theo lối truyền thống, khả năng nắm bắt, tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ quản lý và thành viên HTX còn hạn chế. Việc đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu và là yêu cầu cấp thiết của các HTX hiện nay. Do đó, việc các HTX nói chung và HTX nông nghiêp nói riêng phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh để thích nghi với tình hình phát triển mới là hướng đi quan trọng để phát triển bền vững.
Thiên Hương