Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Vỹ - Trưởng phòng LĐ,TB&XH thành phố Kon Tum cho biết: Năm 2018, chính quyền địa phương lựa chọn hộ nghèo Y Khoa (thôn Jơ Drợp, xã Đăk Năng) hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đến nay, thu nhập từ tiền bán bê con và các phụ phẩm chăn nuôi đã giúp gia đình chị Y Khoa nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
|
Cũng từ Dự án này, năm 2018, UBND xã Vinh Quang đã hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản cho hộ nghèo Y Trich - Kpă Drưt (thôn Kon Rờ Bàng 2) để phát triển chăn nuôi. Đến nay, thu nhập từ tiền bán bê con và phân bò giúp hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình và vươn lên thoát nghèo. Trong tháng 8/2023, xã sẽ thu hồi nguồn vốn để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn xã.
Mô hình nuôi bò sinh sản thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững do cộng đồng nhân dân thôn 5 (xã Đoàn Kết) là một trong những mô hình triển khai mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ dân tham gia cho rằng, mô hình này rất phù hợp với hộ nghèo, hộ cận nghèo vì có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi của lao động, công việc chăm sóc bò đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Đặc biệt, những người tham gia dự án có tinh thần cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò và hỗ trợ các đối tượng khác về kỹ thuật cũng như kiến thức chăm sóc bò sinh sản. Mô hình nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Qua khảo sát, trong 8 hộ tham gia mô hình nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2020, đã có 5 hộ thoát nghèo, 3 hộ thoát nghèo vươn lên nhóm hộ cận nghèo và mô hình này đang được chính quyền địa phương tiếp tục nhân rộng
Tương tự, tại huyện Kon Plông, từ nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, huyện đã triển khai thực hiện 7 dự án hỗ trợ giống vịt xiêm tại các xã Hiếu, Măng Cành, Măng Bút, Đăk Nên, Ngọc Tem, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen; triển khai 3 dự án nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất sả Ja Va tại các xã Đăk Ring, Ngọc Tem, Đăk Nên và hỗ trợ xã Đăk Tăng thực hiện 1 dự án trồng cây dược liệu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
|
Ông Lê Xuân Long - Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Kon Plông cho hay: Qua 3 năm thực hiện dự án, có trên 90% số hộ có mức thu nhập ổn định, trong đó, có 60% số hộ tham gia dự án đã thoát nghèo, 30% số hộ từ nhóm hộ nghèo vươn lên nhóm hộ cận nghèo.
Bà Bạch Thị Mân - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Năm 2022 ngân sách Trung ương phân bổ 15.456 triệu đồng và năm 2023 là 38.935 triệu đồng cho các huyện, thành phố để triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần”, “cho chiếc cần câu để câu con cá”để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra; đặc biệt tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo đạt và vượt kế hoạch được giao. Cụ thể tính đến cuối năm 2022, huyện Kon Plông tỷ lệ giảm nghèo 8,40%, đạt 105,5% kế hoạch; huyện Tu Mơ Rông tỷ lệ giảm nghèo 11,05%, đạt 138,13% kế hoạch; huyện Ia H’Drai tỷ lệ giảm nghèo 20,09%, đạt 251,14% so với kế hoạch.
Thảo Nguyên