Hiệu quả bước đầu từ những vườn cà phê tái canh
Thực hiện chương trình khuyến nông, trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho nhiều hộ dân ở các xã Đăk Mar, Đăk Ngọk, Hà Mòn, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) tái canh những vườn cà phê già cỗi bằng các giống cà phê cao sản: TR4 và TRS1. Mặc dù chưa đi vào kinh doanh, nhưng diện tích cà phê tái canh năm 2016 đến nay cho quả bói và bước đầu cho năng suất khá cao...
Huyện Đăk Hà lâu nay được xem như “thủ phủ cà phê” của tỉnh. Song, phần lớn diện tích cà phê trồng ở đây trên 20-30 năm, già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí có vườn thu hái quả bán không đủ bù chi.
Trước đòi hỏi cần nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cà phê nói riêng, thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập trung hỗ trợ cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Hà tái canh những vườn cà phê già cỗi bằng các giống cà phê mới, cao sản như cà phê TR4, TRS1 của Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên. Và, bước đầu việc đưa các giống cà phê mới vào tái canh ở huyện Đăk Hà đem lại hiệu quả nhất định.
|
Đến thăm vườn cà phê của chị Nguyễn Thị Nhung (tổ dân phố 4B, thị trấn Đăk Hà) mới trồng năm 2016 đang cho bói, chúng tôi thực sự “mãn nhãn” trước vườn cà phê sum sê xanh tốt, quả trĩu cành như những vườn cà phê đã đi vào kinh doanh.
Ngắm vườn cây với những chùm quả căng tròn, bóng bẩy, chị Nhung lòng như mở cờ: Vườn cà phê cũ của gia đình trước đây hơn 20 năm tuổi, già cỗi, năng suất rất thấp; có năm mất mùa, gia đình thu không đủ chi. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, năm 2016, gia đình tái canh 1ha cà phê cao sản giống TR4. Trong quá trình tái canh, Trung tâm hỗ trợ toàn bộ giống, 50% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao kỹ thuật tái canh.
“Có giống cà phê tốt, lại được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, vườn cà phê tái canh sinh trưởng và phát triển nhanh. Dự kiến vụ thu bói năm nay, năng suất cà phê đạt 10-15 tấn/ha. Mặc dù mới cho thu bói, nhưng năng suất vườn cà phê cao hơn khi chưa tái canh. Giống cà phê TR4 mở ra nhiều triển vọng giúp dân làm giàu” - chị Nhung bộc bạch.
Vườn cà phê của ông Nguyễn Thành Chung (tổ dân phố 8, thị trấn Đăk Hà) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ tái canh năm 2016 cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chung hồ hởi: Cây cà phê vối TR4 sinh trưởng và phát triển nhanh. Cây cà phê TR4 chống chịu sâu bệnh tốt, ít bị dịch bệnh; quả cà phê TR4 lại to đều, bóng đẹp hơn giống cà phê cũ. Dự kiến mùa thu bói năm nay, năng suất vườn cà phê tái canh của gia đình đạt 10-15 tấn/ha.
Theo ông Chung, yêu cầu quan trọng của tái canh cà phê là phải nắm bắt và xử lý bệnh tuyến trùng hại rễ. Bởi việc trồng lại cà phê trên đất nhiều năm canh tác cà phê, nếu không xử lý tốt khâu làm đất, không luân canh thì vườn cà phê rất dễ bị bệnh tuyến trùng hại rễ chết cà phê.
“Do thiếu đất sản xuất nên khi phá bỏ vườn cà phê già cỗi, gia đình tôi liền tái canh lại. Vì vậy, trong năm đầu có khoảng 5% số cây bị bệnh tuyến trùng. Việc xử lý cây cà phê bị bệnh tuyến trùng rất vất vả và phải mất một thời gian gia đình mới triệt hạ được bệnh tuyến trùng. Nếu có nhiều đất sản xuất, bà con nên luân canh cây họ đậu (lạc, đậu xanh, đậu đen), cây cà phê sẽ không bị bệnh tuyến trùng”- ông Chung chia sẻ kinh nghiệm.
Theo ông Đoàn Năng Mạnh - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong quá trình hỗ trợ dân tái canh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật và có nói rõ yêu cầu kỹ thuật tái canh là khi nhổ bỏ vườn cà phê già cỗi, bà con trồng luân canh vài vụ để tái tạo lại đất, ngăn chặn bệnh tuyến trùng phát sinh trong đất. Tuy nhiên, có một số hộ dân do điều kiện đất đai hạn hẹp, bà con tổ chức trồng tái canh lại ngay nên có một số ít diện tích cà phê bị nhiễm bệnh tuyến trùng hại rễ. Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kịp thời hỗ trợ và hướng dẫn người dân diệt mầm bệnh tuyến trùng, phục hồi lại cây bị bệnh, bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển.
Ông Mạnh khuyến cáo: Trước khi tái canh, bà con nên rà rễ khi khai hoang, phục hóa và dồn lại đốt. Nếu vườn cây trước khi tái canh bị tuyến trùng (vàng lá) nặng phải luân canh cây trồng khác từ 1-2 năm. Trước khi trồng 15 ngày, bà con xử lý hố trồng (đốt hố, bón mỗi hố 1kg vôi, 10kg phân hữu cơ, 0,5kg lân và rải 20 gam thuốc Vifu-Super5GR hoặc Mocap) để xử lý bệnh tuyến trùng.
Theo ông Đoàn Năng Rường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cây cà phê TR4, TRS1 là giống cà phê mới, có năng suất cao và chống chịu các loại sâu bệnh tốt hơn giống cà phê cũ trước đây. Chính vì vậy, Trung tâm lựa chọn và hỗ trợ cho người dân huyện Đăk Hà tái canh gần 70ha cà phê. Qua kiểm tra và đánh giá ban đầu, các vườn cà phê tái canh sinh trưởng, phát triển tốt và đang hứa hẹn những mùa bội thu khi đi vào kinh doanh.
Văn Nhiên