Giải phóng mặt bằng và tạo “quỹ đất “sạch”
Từ việc một số dự án đầu tư chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp, thậm chí phải “xin trả lại vốn” vì vướng mắc từ giải phóng mặt bằng cho thấy, câu chuyện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch vẫn đang cần được quan tâm nhiều hơn.
Ngày 25/10, tại văn bản số 3672/UBND-KTTH về đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, UBND tỉnh đã “điểm danh” 6 dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thấp, tính đến hết tháng 9/2023.
Trong đó có 2 dự án có tỷ lệ giải ngân đạt 0%, gồm: Dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52 (giao với đường Hồ Chí Minh) có kế hoạch vốn năm 2023 là 45 tỷ đồng, do Sở GTVT làm chủ đầu tư; dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, có kế hoạch vốn năm 2023 là 25 tỷ đồng, do UBND huyện Kon Rẫy là chủ đầu tư.
Điều đáng nói, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân rất thấp và bằng không của các dự án trên không phải từ chủ đầu tư, mà do chưa có mặt bằng thi công, nên không có khối lượng.
Hoặc dự án “dính” đất rừng, đất có rừng hay đất quy hoạch ba loại rừng, cần phải chờ ý kiến bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ, nên cũng chưa có mặt bằng thi công.
|
Số liệu thống kê mới nhất, đến giữa tháng 11, dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai mới chỉ thực hiện giải ngân được hơn 2,5 tỷ đồng, đạt 10,15% so với kế hoạch vốn giao; dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52 (giao với đường Hồ Chí Minh) vẫn dậm chân tại chỗ.
Được biết, chủ đầu tư của 3 dự án (gồm Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly, huyện Sa Thầy; Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 – Km52 và Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều đã có tờ trình đề xuất tỉnh điều chuyển vốn được giao năm 2023 sang các dự án khác có nhu cầu.
Từ việc một số dự án đầu tư công chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp, thậm chí phải “xin trả lại vốn” vì vướng mắc từ giải phóng mặt bằng cho thấy, câu chuyện giải phóng mặt bằng vẫn đang cần được quan tâm nhiều hơn.
Trên thực tế, “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng chủ yếu là do cơ chế, chính sách về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng đôi khi chưa đồng bộ nên quá trình vận dụng vào thực tế còn bất cập.
Tình trạng cán bộ trực tiếp làm về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong xử lý các tình huống, có lúc chưa nhiệt tình, dẫn đến chất lượng thực hiện công việc kém hiệu quả vẫn chưa được khắc phục tốt.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa một số chủ đầu tư với địa phương có lúc có nơi thiếu chặt chẽ, một số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Hơn nữa, tình trạng một số hộ dân yêu cầu giá bồi thường cao hơn giá theo quy định của nhà nước; chưa đồng ý nhận tiền đền bù, hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng cũng khiến cho tiến độ triển khai dự án chậm so với kế hoạch.
|
Gần đây nổi lên nguyên nhân các địa phương trong tỉnh chưa ban hành được bảng giá đất, nên chưa thực hiện được khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Dù UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể từ cuối tháng 5/2023, và có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.
Để giải quyết được những “điểm nghẽn” này, nhiều ý kiến cho rằng, cần khẩn trương thực hiện việc ban hành giá đất ở các địa phương, làm căn cứ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cần nhất quán nguyên tắc đúng quy trình ngay từ đầu, đảm bảo công khai, minh bạch các quy định pháp luật về đất đai và công khai các phương án, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, phản biện, kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế chính sách, những vấn đề chưa thỏa đáng trong phương án giải phóng mặt bằng để giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ở góc độ rộng hơn, đây cũng chính là một trong những yếu tố có tác động rất lớn đến thu hút đầu tư. Một chủ đầu tư từng phản ánh rằng: Ngay cả các dự án đầu tư công còn như vậy, nói gì đến những dự án khác. Bởi vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tạo quỹ đất sạch.
“Quỹ đất sạch” được hiểu là quỹ đất đã được Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Thực tiễn cho thấy, do thiếu “quỹ đất sạch” để giao cho các chủ đầu tư, nên hiện nay, việc thu hồi đất hầu hết đều “chạy” theo dự án.
Có nghĩa là nhà đầu tư đến địa phương, khi được duyệt dự án mới đến khâu giới thiệu địa điểm, sau đó chính quyền thu hồi đất để giao, rồi tiếp đến là đền bù, giải phóng mặt bằng.
Chính việc giao đất cho các nhà đầu tư lệ thuộc vào quy trình giải phóng mặt bằng, với những bước triển khai nhiêu khê và tốn nhiều thời gian, nên đã có không ít nhà đầu tư phải từ bỏ cơ hội.
Thực hiện tốt việc xây dựng “quỹ đất sạch”, chính quyền có thể quản lý và khai thác một cách hiệu quả nguồn quỹ đất của địa phương. Có “đất sạch”, nhà đầu tư sẽ yên tâm và quyết định nhanh chóng, khắc phục tình trạng bị động, vỡ kế hoạch của dự án đầu tư vì bị ách tắc trong việc chờ đợi mặt bằng để triển khai dự án.
Mặt khác, khi có được nguồn “đất sạch”, việc triển khai các dự án sẽ đảm bảo tiến độ, bởi quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi được bảo đảm, tránh xảy ra trường hợp chây ỳ hoặc khiếu kiện dây dưa, kéo dài.
Hồng Lam