Để phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh
Việc phát triển CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ là rất cần thiết để tạo ra giá trị sản phẩm mang CDĐL, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, vì giá thành kinh tế của sản phẩm mang CDĐL luôn cao hơn giá trị hàng hóa của các sản phẩm cùng loại.
Theo Sở KH-CN, CDĐL là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ dùng để nhận biết sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính riêng biệt do điều kiện tự nhiên hoặc con người của vùng địa lý đó quyết định. CDĐL có ý nghĩa quan trọng đối với sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương.
Trên thị trường thế giới có nhiều sản phẩm có CDĐL như: giá rượu vang Champagne (Pháp) cao 8 lần giá rượu vang thông thường; chè (Srilanka), lụa (Thái Lan), rượu mạnh (Scotland)... có giá trị hàng hóa cao.
Các nước châu Âu có kinh nghiệm hàng trăm năm về phát triển CDĐL. Ở đây, các nhà sản xuất nhận thức rõ và đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động tập hợp thành tổ chức, đầu tư trí tuệ, công sức và kinh phí để phát triển CDĐL của các sản phẩm mà đơn vị, địa phương sở hữu. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, công nhận và thực hiện kiểm soát ngoại vi CDĐL.
Việt Nam bắt đầu khởi động các hoạt động xây dựng CDĐL từ năm 1998, đến năm 2016 nước ta đã có 49 CDĐL được đăng bạ, trong đó có nhiều CDĐL được nhiều người biết đến như chè Shan Tuyết - Mộc Châu, nước mắm - Phú Quốc, thanh long - Bình Thuận, cà phê nhân - Đăk Lăk, nước mắm - Phan Thiết, bưởi quả - Đoan Hùng (Phú Thọ), hoa hồi - Lạng Sơn, gạo tám - Hải Hậu, vải thiều - Thanh Hà, cam - Vinh (Nghệ An), chè - Thái Nguyên...
|
Trong chiến lược phát triển, tỉnh Kon Tum đã xác định sâm Ngọc Linh là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao. Vì vậy, trong những năm qua, bên cạnh việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) để được hướng dẫn các thủ tục thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh. Việc Cục SHTT công bố chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ là vinh dự, là tin vui cho tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Theo Sở KH&CN, để CDĐL phát huy hiệu quả, bên cạnh chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình, dự án cụ thể, cần nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất để họ chủ động và có ý thức tự nguyện tham gia vào phát triển CDĐL. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng cần phát huy vai trò của mình trong việc chủ động đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà sản xuất phát triển CDĐL; các nhà sản xuất cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và khuếch trương chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động thương mại có tính quảng bá nhằm xây dựng, củng cố uy tín, hình ảnh, tên tuổi của sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý CDĐL, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ và thành lập tổ chức tập thể của tổ chức, cá nhân canh tác, khai thác, chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh nhằm khuyến khích nông dân tham gia thành lập các nhóm, các hợp tác xã và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm làm cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cũng hết sức quan trọng. Khi CDĐL được tổ chức khai thác, quản lý một cách có hệ thống thì CDĐL mới thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng, các nhà sản xuất, kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài.
Trước yêu cầu đặt ra, việc phát triển CDĐL trong thời gian tới đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành bằng tinh thần và trách nhiệm qua việc triển khai thực hiện các giải pháp, để khi nói đến sâm Ngọc Linh, mọi người đều biết được giá trị của loại dược liệu này và biết đến Kon Tum.
Trần Văn