Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh
Trước tin vui Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT)-Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ, phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Thị Tuyết - Giám đốc Sở KH&CN xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Sau nhiều năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đến nay, Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Thưa đồng chí, việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn này có ý nghĩa như thế nào đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh?
Đ/c Trần Thị Tuyết: CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Do vậy, việc đăng ký CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ có ý nghĩa thiết thực, nhằm khẳng định danh tiếng của sản phẩm sâm Ngọc Linh, bảo hộ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm sâm Ngọc Linh trên thị trường, mở ra triển vọng phát triển ngành chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh phục vụ trong nước và xuất khẩu.
|
Phóng viên: Cùng là hai tỉnh có cây sâm Ngọc Linh đặc hữu, thưa đồng chí vì sao tỉnh Kon Tum được Cục SHTT cấp Bản chính văn bằng công nhận CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ, còn tỉnh Quảng Nam được cấp Phó bản?
Đ/c Trần Thị Tuyết: CDĐL Ngọc Linh thực chất là một CDĐL, do đó, không thể thực hiện việc cấp riêng đăng ký CDĐL cho hai tỉnh, vì nếu cấp riêng cho mỗi tỉnh, trường hợp này sẽ không đáp ứng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 19 của Nghị định 103/2006/NĐ-CP và Khoản i, Mục 43.4, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, đồng thời làm cho xã hội và đặc biệt là người tiêu dùng nhầm lẫn có hai CDĐL Ngọc Linh. Hơn nữa, nếu cấp riêng cho mỗi tỉnh xét về ý nghĩa của việc bảo hộ CDĐL, đặc biệt là lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích của các tổ chức sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh thì phạm vi bảo hộ của CDĐL Ngọc Linh bị thu hẹp về cơ học và chỉ giới hạn ở “Ngọc Linh - Kon Tum” và “Ngọc Linh - Quảng Nam”; về lâu dài sẽ khó xử lý các hành vi vi phạm quyền đối với riêng tên Ngọc Linh. Mặt khác, việc cấp riêng sẽ hình thành sự chia rẽ trong cộng đồng sản xuất sâm Ngọc Linh của người dân, điều này cũng không phù hợp với mục tiêu của bảo hộ CDĐL và làm yếu đi chỉ dẫn Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.
Bên cạnh đó, căn cứ đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tỉnh Kon Tum nộp ngày 25/7/2011 và tỉnh Quảng Nam nộp đơn vào ngày 13/12/2013, tỉnh Kon Tum được Cục SHTT ưu tiên vì có ngày nộp đơn trước. Xét về nguồn gốc cây sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 19/3/1973 bởi đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y quân khu V do DS. Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang phát hiện mọc thành quần thể ở độ cao 1.800m tại xã Măng Ri và xã Ngọc Lây, huyện Đăk Tô (nay là huyện Tu Mơ Rông), tỉnh Kon Tum. Hơn nữa, căn cứ vào sự phân bố tự nhiên của vùng địa lý cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển thích hợp thì tỉnh Kon Tum cây sâm Ngọc Linh có mật độ nhiều hơn và phân bố với diện tích rộng hơn. Hiện nay, trữ lượng và diện tích trồng sâm ở hai tỉnh cũng có sự chênh lệch lớn (tỉnh Kon Tum trồng được hơn 300ha và tỉnh Quảng Nam trồng được 65ha).
Có lẽ dựa trên những lý do này, Cục SHTT cấp Bản chính văn bằng công nhận CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum và Phó bản văn bằng CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ tỉnh Quảng Nam.
|
Phóng viên: Vậy, trong thời gian tới chúng ta phải làm gì để quản lý tốt CDĐL sau khi được cấp văn bằng bảo hộ?
Đ/c Trần Thị Tuyết: Sâm Ngọc Linh được phân bố trên vùng sinh thái hẹp, quanh đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc vùng địa lý của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Vì vậy, CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh sau khi được bảo hộ phải chịu sự quản lý của hai tỉnh. Để quản lý tốt, tỉnh Kon Tum chủ động phối hợp với Bộ KH&CN, Cục SHTT, các cơ quan trung ương và các nhà quản lý của hai địa phương để tìm giải pháp quản lý, mô hình quản lý cho phù hợp điều kiện thực tế của hai tỉnh.
Trước yêu cầu đặt ra, trong thời gian đến, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh; Hiệp hội ban hành quy chế quản lý và sử dụng CDĐL Ngọc Linh; phối hợp với ngành liên quan trong và ngoài tỉnh để tổ chức quản lý CDĐL; giám sát và kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng theo quy định, tuân thủ các quy định trong quy chế quản lý và sử dụng CDĐL; tham mưu UBND tỉnh ban hành trao quyền sử dụng CDĐL Ngọc Linh cho các nhà sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh trong khu vực địa lý; tăng cường xây dựng hệ thống quảng bá CDĐL và thực hiện các giải pháp quản lý, phát triển CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa sâm Ngọc Linh phù hợp với quy định của pháp luật…
Phóng viên: Trân trọng cám ơn đồng chí!
Văn Nhiên (thực hiện)