Đăk Glei đẩy mạnh phát triển cây dược liệu
Thời gian qua, huyện Đăk Glei ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đầu tư, phát triển các loại cây dược liệu, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân địa phương.
Ông Thái Văn Tưởng- Bí thư Huyện ủy Đăk Glei khẳng định: Thường trực Huyện ủy Đăk Glei thường xuyên có ý kiến chỉ đạo UBND huyện Đăk Glei rà soát, phân bổ chỉ tiêu trồng cây dược liệu hàng năm cho các xã, thị trấn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu của từng tiểu vùng. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội của địa phương gắn việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” với các phong trào thi đua khác tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.
|
Bà Y Thanh- Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Năm 2022, UBND huyện Đăk Glei ưu tiên phân bổ nguồn tăng thu của huyện hỗ trợ 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh 200 triệu đồng để tổ chức gieo ươm cây dược liệu tại thôn Làng Mới (Mường Hoong); kêu gọi các đơn vị có năng lực tổ chức ươm giống quế 60.000 cây, lan kim tuyến 20.000 cây để hỗ trợ cho người dân xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh. Ngoài ra, trong 2 năm 2022-2023, UBND huyện Đăk Glei đã chỉ đạo Công ty Lâm nghiệp Đăk Glei và Khu BTTN Ngọc Linh hỗ trợ cho người dân ở 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh hơn 57.230 cây sơn tra để trồng trên diện tích gần 58 ha.
Đến nay, huyện Đăk Glei đã trồng được 612ha cây dược liệu các loại; trong đó cây sâm Ngọc Linh có 39ha, các loại cây dược liệu khác có 573ha (gừng, nghệ, sơn tra, đinh lăng...), tập trung chủ yếu ở các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong.
Đặc biệt, UBND huyện Đăk Glei khuyến khích nhân dân đầu tư, phát triển dược liệu thông qua các loại hình kinh tế tập thể; thúc đẩy liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có khả năng đầu tư sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết giá trị.
Trong 3 năm qua (2021-2023), huyện Đăk Glei đã thành lập mới 5 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 12 HTX, trong đó có 10 HTX hoạt động đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, thực hiện các dự án trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn. Đến nay huyện Đăk Glei cũng đã hình thành 109 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực dược liệu.
Điểm nhấn là, một số doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thực hiện liên kết với các hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác thu mua sản phẩm dược liệu của nhân dân.
|
Ông Đinh Xuân Hòa- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei cho biết: Việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đăk Glei chú trọng đúng mức, tiến hành đầu tư chế biến sản phẩm theo chiều sâu. Qua 3 năm triển khai thực hiện, huyện Đăk Glei tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với tổng 11 sản phẩm/7 chủ thể, được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh; hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện và nâng cao chất lượng 38 sản phẩm khác nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường.
Đáng chú ý, các sản phẩm OCOP của huyện Đăk Glei đã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, sàn giao dịch điện tử trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu, kết nối, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.
Có thể khẳng định, việc phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện Đăk Glei thời gian qua có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, chính quyền địa phương chú trọng phát triển các loại dược liệu chính (sâm củ Ngọc Linh, sâm dây) để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung tại các xã trọng điểm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong. Một số xã khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, huyện có chính sách hỗ trợ để phát triển các loại dược liệu khác như sơn tra, đương quy, quế, nghệ, gừng theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS ở các xã vùng đặc biệt khó khăn.
Quang Định