Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh: Thu tiền lớn, đầu tư nhỏ giọt
Ngày 1/8, Báo Kon Tum có bài viết “Nhiều sai phạm tại dự án “mập mờ” với thương hiệu sâm Ngọc Linh”. Hiện cơ quan điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào cuộc làm rõ dấu hiệu lừa đảo góp vốn liên quan đến dự án này.
|
Trước những ồn ào trên, phóng viên đã quay lại vùng dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông tại huyện Kon Plông thì phát hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh gần như không hoạt động.
Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2016, nhưng 7 năm qua, những gì chủ dự án làm được là “biến” dự án thành “bánh vẽ” với các nhà đầu tư. Hàng loạt đơn thư cầu cứu của các nhà đầu tư đã gửi đến Cơ quan điều tra Công an quận Cầu Giấy. Rất nhiều nạn nhân đã trình báo mua cổ phần tiền tỷ cho dự án ở Kon Plông, cơ quan điều tra đang làm rõ số tiền khủng mà Công ty MHG đã huy động. Tiền đã thu nhiều nhưng dự án đang lay lắt hoạt động, đầu tư cầm chừng, nhỏ giọt.
Hiện tại, chủ đầu tư mới chỉ xây dựng được nhà làm việc cấp 4 rộng 160m2, nhà ở công nhân, nhà kho; bể chứa nước trung gian; các công trình phụ trợ, nhà vệ sinh. Các hạng mục chính, trồng dược liệu để phục vụ dự án thì đầu tư nhỏ giọt, cầm chừng, gần như dừng hẳn trong mấy tháng qua.
Tại dự án, chủ đầu tư chỉ trồng rải rác sâm dây, đương quy và hoa. Theo Kết luận số 3337/KL-UBND của UBND tỉnh Kon Tum, diện tích trồng sâm dây, đương quy, hoa chiếm 5,6ha; trồng rải rác dược liệu dưới tán rừng có 10ha. Còn 20ha dưới tán rừng nhà đầu tư chưa trồng cây dược liệu. Riêng giai đoạn 2 của dự án, Công ty MHG chưa thực hiện đầu tư, đã bị cơ quan chức năng của tỉnh thu hồi với diện tích 9ha.
Một dự án có quy mô ban đầu 46ha của Công ty MHG để huy động vốn nhưng hiện tại không có công nhân làm việc. “Lúc trước có nhiều người làm hơn, sau đó Công ty bảo nghỉ từ tháng 4 vừa qua, giờ chỉ còn có 3 người làm, trong đó có 2 bảo vệ”- anh A Ngoan, bảo vệ Công ty cho biết. Anh A Ngoan đã vào làm việc tại dự án hơn 1 năm, chỉ có 2 lao động nhưng đang bị nợ lương 2 tháng.
Người dân đầu tư vào “bánh vẽ” sâm Ngọc Linh của Công ty MHG đang đứng ngồi không yên với số vốn góp mua cổ phần vào dự án. Trả lời trên truyền thông, nhiều nạn nhân của dự án thừa nhận, số tiền góp là tiền tiết kiệm lúc già, tiền từ nguồn huy động vốn người thân, có không ít đi vay ngân hàng, mỗi người góp vốn mua cổ phần từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
|
Tiền huy động nhiều nhưng dự án lại đầu tư nhỏ giọt, cầm chừng. Cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ nguồn vốn đầu tư trên đã chảy vào đâu khi dự án gần như bỏ hoang.
Cao Nguyên