Chuyển đổi số trong thanh toán tiêu dùng
Trong thời gian qua, việc chuyển đổi số trong tiêu dùng với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được người tiêu dùng, các đơn vị, người kinh doanh tin tưởng sử dụng.
Với nhiều lợi ích thiết thực, ngày càng có nhiều người dân ưu tiên lựa chọn xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR, VNPT money.
Anh Hoàng Văn Tuyển (đường U Re, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Thời gian qua, tôi đã cài đặt và thường xuyên sử dụng ứng dụng thanh toán VNPT Pay nên giờ tôi không mang theo nhiều tiền mặt khi đi ra ngoài hoặc mỗi lần đi công tác xa như trước. Bởi, dù đi bất cứ đâu hay đang làm việc gì thì chỉ với chiếc điện thoại di động, tôi đã có thể thanh toán mọi khoản tiền như điện, nước, cước viễn thông hay mua vé tàu xe, ăn nghỉ. Tôi thấy, việc chuyển đổi số trong thanh toán tiêu dùng thực sự là hữu ích; chỉ cần vài thao tác đơn giản, nhanh chóng là tôi thực hiện được các giao dịch.
|
Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng, nhất là sau đại dịch Covid-19. Bởi, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động bị gián đoạn, để việc giao dịch, mua sắm không bị ảnh hưởng, người dân đã thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt qua thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số. Qua đó, người dân đã thấy rõ lợi ích thiết thực của việc thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số và tạo thành thói quen sử dụng hình thức thanh toán này trong giao dịch hàng ngày; trong đó, phổ biến nhất là trong thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, chi trả viện phí.
Chẳng hạn như tại Công ty Điện lực Kon Tum, nếu như trước đây hầu hết khách hàng đều thực hiện thanh toán tiền điện bằng tiền mặt thì hiện tại khoảng 84,6% khách hàng tiến hành trả tiền điện qua ngân hàng điện tử hoặc các ví điện tử như Momo, VNPT money, Viettel money. Nhờ đó, đơn vị đã cắt giảm được lượng lớn nhân viên thu ngân và hạn chế được tình trạng khách hàng quên, chậm đóng tiền điện.
Bắt kịp xu thế thanh toán tiêu dùng không dùng tiền mặt, các đơn vị, cơ sở kinh doanh tích cực thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, không chỉ các siêu thị, cửa hàng tiện ích chấp nhận thanh toán điện tử mà ngay những người kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương buôn bán tại chợ cũng chú trọng đến việc áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Hồng (Số nhà 219 Bà Triệu, TP Kon Tum) cho biết: Giờ đây, hầu hết các siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh đều chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, quẹt thẻ ATM hoặc qua các app khác. Do vậy, khi đi mua sắm, tôi chỉ cần mang theo ít tiền mặt để trả khi mua những món hàng có giá trị nhỏ hoặc của những người bán hàng lớn tuổi, còn lại hầu hết đều thực hiện thanh toán điện tử. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi, nhanh gọn; đặc biệt là giúp tôi yên tâm khi đi ra ngoài, vì không phải băn khoăn nếu lỡ có quên ví ở nhà và hay lo lắng vì mang theo nhiều tiền mặt trong người.
|
Việc sử dụng tài khoản ngân hàng hay “tài khoản tiền di động” giúp việc thanh toán diễn ra thuận lợi, an toàn cho cả người trả và đối tượng nhận tiền. Chỉ với vài thao tác dễ dàng, nhanh chóng trong ít giây, khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi đưa tiền mặt hay nhận tiền thừa; người bán cũng không phải lo lắng như nhận phải tiền giả hay tìm tiền thối; nhất là trong những giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa, tránh được các rủi ro như bị rơi mất, trộm cướp, tiền giả, nhầm lẫn.
Với trên 79% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh thì đây sẽ là tiền đề và điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số, trong đó, có chuyển đổi số trong thanh toán tiêu dùng của tỉnh ta.
Nhằm tạo sự chuyển biến thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen thanh toán của xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán, minh bạch hóa các giao dịch ngày 29/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 877/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tỉnh ta đề ra là phấn đấu đến năm 2025, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 1.200 điểm; từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90-100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể nói, sự linh hoạt mà thanh toán số mang lại đã tạo ra bước phát triển trong hoạt động kinh doanh và giao dịch. Và đây chính là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ hiện nay.
Thiên Hương