Chuyển biến tích cực trong quản lý, phát triển rừng
Thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều kết quả tích cực.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi bảo vệ phát triển, nâng cao chất lượng rừng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; hướng đến quản lý, sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên rừng. Đồng thời, huy động sự vào cuộc, phát huy vai trò tích cực của các cấp, ngành và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tố giác tội phạm. Qua đó, hoạt động lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó, nổi bật nhất là bảo vệ được vốn rừng hiện có.
|
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được 14.024,24ha rừng, độ che phủ rừng đến hết năm 2022 đạt 63,05%, ước thực hiện đến hết năm 2023 là 63,12%. Diện tích rừng có trồng sâm Ngọc Linh hiện đạt khoảng 1.804ha, dự kiến năm 2023 trồng thêm khoảng 450ha, nâng diện tích rừng có trồng sâm Ngọc Linh lên khoảng 2.254ha. Toàn tỉnh cũng đã thực hiện khoanh nuôi, phục hồi được 5.814,83ha, nuôi dưỡng làm giàu rừng được 333,2ha.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh ta thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên, dừng các dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác, không cấp phép khai thác tận dụng trên diện tích rừng tự nhiên đối các dự án đã có quyết định chuyển đổi nhưng chưa khai thác. Nhờ đó, bảo vệ tốt diện tích rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, đặc dụng.
Cụ thể, trong gần 3 năm qua (2021-2023), các lực lượng chức năng và các địa phương đã ngăn chặn và xử lý 319 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; số vụ vu phạm và bị xử lý giảm giảm 75% so với giai đoạn từ năm 2018-2020. Diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại khoảng 221ha; diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng hầu như không bị tác động. Rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, giúp tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, bảo tồn tính đa dạng sinh học.
|
Đến năm 2023, toàn tỉnh đã giao được 9.483ha rừng cho cộng đồng, gần 8.028ha rừng do UBND xã quản lý về cho các chủ rừng, nâng diện tích rừng có chủ thật sự lên hơn 552.342ha. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và tạo thêm việc làm, thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào DTTS tham gia vào sản xuất lâm nghiệp để cải thiện thu nhập.
Điều đáng chú ý, trong 3 năm qua, tỉnh ta huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư cho phát triển ngành lâm nghiệp với tổng nguồn vốn huy động được 1.547,3 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 7.508,5 tỷ đồng; trong đó, giá trị trồng rừng ước đạt 948 tỷ đồng; trồng sâm Ngọc Linh 6.560,5 tỷ đồng.
Công tác thu hút đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng được chú trọng, đặc biệt là thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, thu hút trồng rừng và sản xuất lâm sản theo hướng hiện đại.
Hiện tại, các cấp, các ngành của tỉnh xúc tiến kêu gọi Công ty Cổ phần An Hòa; Công ty Cổ phần chế biến gỗ Woodland; Công ty Cổ phần Sao Việt (Tuyên Quang), Tổng Công ty giấy Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, triển khai xây dựng và phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ trong lâm nghiệp.
Thực hiện mục tiêu tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế về lâm nghiệp, tỉnh ta đang thúc đẩy dự án hỗ trợ lâm nghiệp do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ với mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng xanh, bền vững, toàn diện và giảm tổn thương do biến đổi khí hậu, với nhiệm vụ chính tăng cường công tác bảo tồn, phục hồi và quản lý rừng bền vững; thúc đẩy chuỗi giá trị từ rừng bảo đảm bền vững về môi trường với sự tham gia công bằng và bình đẳng giới hơn của các bên liên quan.
Có thể nói, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đã đem lại kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; huy động được sự vào cuộc của cả thống chính trị và nhân dân tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, việc đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp cũng đã đóng góp cùng các chương trình khác của Nhà nước xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thùy Hương